» Sản xuất xi măng là một trong những ngành công nghiệp phát thải carbon lớn nhất hiện nay. Dù quá trình giảm phát thải còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng trong ngành đang chủ động triển khai các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Áp lực về môi trường ngày càng lớn cùng với các rào cản kỹ thuật xanh ở thị trường quốc tế đang đặt daonh nghiệp xi măng trước yêu cầu thay đổi. Việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải CO₂ cao khiến ngành Xi măng được coi là một trong những mắt xích quan trọng trong lộ trình cắt giảm phát thải của Việt Nam. Để duy trì khả năng cạnh tranh, nhất là trong xuất khẩu, chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên của nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Sản phẩm và công nghệ xanh dần xuất hiện
Một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã bước đầu triển khai các giải pháp giảm phát thải. Trong đó, Tập đoàn SCG đã giới thiệu sản phẩm SCG Low Carbon Super Xi măng vào tháng 6/2024. Theo thông tin từ doanh nghiệp, sản phẩm này giúp giảm khoảng 20% lượng khí CO₂ phát thải so với xi măng thông thường, nhờ việc sử dụng nhiên liệu thay thế như sinh khối, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt thải trong quá trình sản xuất.
Kết quả thử nghiệm nội bộ cho thấy, mỗi tấn xi măng này giúp giảm lượng khí thải tương đương với lượng CO₂ mà 12 cây xanh trưởng thành có thể hấp thụ trong một năm. Đây được coi là một trong những bước khởi đầu của quá trình thương mại hóa các sản phẩm vật liệu xây dựng phát thải thấp tại Việt Nam.
Trong năm 2024, Công ty CP Xi măng FiCO Tây Ninh (thuộc Tập đoàn YTL - Malaysia) cũng đã đưa ra thị trường dòng sản phẩm ECOCem, với lượng phát thải carbon chỉ từ 350 đến 600 kg CO₂/tấn, thấp hơn khoảng 70% so với mức phát thải trung bình của xi măng truyền thống.
Đa dạng hướng tiếp cận trong quá trình xanh hóa
Bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm mới, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng chọn cách tiếp cận theo hướng chứng nhận và tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất. INSEE Việt Nam là một trong những đơn vị áp dụng sớm mô hình này. Từ năm 2017, toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp này đã đạt chứng nhận Green Label Singapore, và đến năm 2021, tiếp tục đạt chứng nhận EPD (Environmental Product Declaration) – một tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến minh bạch phát thải. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tổ chức các diễn đàn chuyên đề về kinh tế carbon thấp nhằm nâng cao nhận thức trong ngành Xây dựng.
Nhiểu doanh nghiệp trong ngành Xi măng đã chủ động áp dụng công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.
Một số doanh nghiệp nội địa cũng đầu tư vào công nghệ nhằm giảm phát thải và nâng cao tiêu chuẩn sản xuất. Xi măng Xuân Thành đã áp dụng dây chuyền công nghệ từ FLSmidth (Đan Mạch) tại nhà máy ở Hà Nam. Theo thông tin từ doanh nghiệp, sản phẩm hiện đã được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Singapore và một số nước châu Âu là những nơi có tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.
Mới đây, VICEM Hà Tiên - thành viên của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cũng vừa hoàn tất và công bố 17 bản Công bố sản phẩm môi trường (EPD) cho các dòng xi măng và clinker chủ lực. Đây là số lượng EPD lớn nhất từng được một doanh nghiệp trong ngành Xi măng Việt Nam công bố, nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa vòng đời sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hạn chế và nhu cầu chính sách hỗ trợ
Mặc dù đã có một số kết quả bước đầu, quá trình chuyển đổi xanh trong ngành Xi măng vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu tư lớn, khó khăn trong thay đổi công nghệ, thiếu nhân lực chuyên môn và khó tiếp cận nguồn vốn xanh.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, để việc chuyển đổi diễn ra hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Một số đề xuất bao gồm: ưu đãi về thuế, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất thấp, và tăng cường chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp xi măng có thêm nguồn lực để đổi mới sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.
Chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng xi măng xanh không còn là định hướng dài hạn trên giấy tờ, mà đã trở thành một yêu cầu thực tiễn và cấp thiết. Khi được đầu tư đúng hướng, xi măng xanh có thể trở thành nền tảng cho ngành xây dựng phát thải thấp trong tương lai, góp phần vào mục tiêu Net Zero và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Cem.Info