» Các doanh nghiệp xi măng đang bước vào giai đoạn quyết định khi xu hướng toàn cầu hóa xanh và các rào cản thương mại mới đang tạo áp lực buộc ngành phải chuyển đổi. Từ một lựa chọn mang tính dài hạn, “xanh hóa” sản xuất nay đã trở thành con đường sống còn nếu ngành Xi măng muốn duy trì vị thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các quy định môi trường ngày càng khắt khe.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) là một trong những rào cản lớn nhất mà ngành Xi măng Việt Nam phải đối mặt. Dù thị phần xuất khẩu sang EU của các doanh nghiệp xi măng chỉ chiếm khoảng 1 - 2% tổng kim ngạch toàn ngành, nhưng tác động của CBAM mang tính lan tỏa. Khi các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Đông có thể sexáp dụng cơ chế tương tự trong tương lai, sức ép sẽ tăng mạnh.
Theo dự báo, đến năm 2030, chi phí CBAM có thể lên tới 25 - 30 EUR/tấn xi măng, tương đương 600.000 - 700.000 đồng/tấn xi măng. Nếu giữ nguyên lượng xi măng xuất khẩu sang EU, toàn ngành có thể mất 300 - 400 tỷ đồng/năm chỉ để “mua vé” vào thị trường này. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi tận gốc mô hình sản xuất hiện tại của ngành Xi măng.
Trước thách thức đó, nhiều doanh nghiệp xi măng đã chủ động chuyển hướng. Đại diện một nhà sản xuất lớn cho biết họ đặt mục tiêu giảm ít nhất 15% lượng phát thải CO₂ vào năm 2030. Không có chứng nhận về cường độ phát thải CO₂, chúng tôi không thể ký hợp đồng dài hạn với đối tác quốc tế. Đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn giữ thị phần xuất khẩu.
Việc đầu tư vào công nghệ hiện đại, tự động hóa và số hóa toàn bộ chuỗi sản xuất đang trở thành xu thế tất yếu. Các hệ thống như SCADA, DCS và IoT giúp doanh nghiệp giám sát, phân tích dữ liệu thời gian thực, từ đó tối ưu hóa vận hành và kiểm soát phát thải chặt chẽ. Những thao tác vốn dựa vào cảm quan như điều chỉnh chất lượng bê tông, thời gian trộn hay vận chuyển nay đã được kiểm soát bằng công nghệ.
Không chỉ dừng lại ở dây chuyền sản xuất, quá trình số hóa đang lan tỏa ra cả hệ thống phân phối. Nhiều doanh nghiệp triển khai nền tảng thương mại điện tử B2B giúp đại lý, nhà phân phối đặt hàng, theo dõi đơn hàng và thanh toán trực tuyến. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn giúp doanh nghiệp xi măng giảm tồn kho, tăng vòng quay vốn trong bối cảnh dư cung vẫn là bài toán nan giải.
Giai đoạn chuyển tiếp của CBAM sẽ kết thúc vào cuối năm 2025. Từ tháng 1/2026, các nhà nhập khẩu vào EU sẽ bắt buộc phải khai báo lượng khí thải carbon trong các mặt hàng như thép, nhôm, xi măng, phân bón. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là rào cản thương mại mang tính chiến lược. Doanh nghiệp không kịp thích ứng sẽ mất cơ hội tiếp cận thị trường, còn những đơn vị tiên phong sẽ có lợi thế rõ rệt.
Vì vậy, để giữ vững vị thế xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh, ngành Xi măng cần một chiến lược xanh hóa toàn diện, có chiều sâu và nhất quán. Đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, chuyển đổi số và minh bạch dữ liệu môi trường không chỉ là giải pháp ứng phó với chính sách mới, mà còn là nền tảng để phát triển bền vững trong dài hạn. Việc thích nghi nhanh với xu hướng xanh toàn cầu sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp xi măng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và mở rộng chỗ đứng trên bản đồ xuất khẩu quốc tế.
ximang.vn (TH)