» Tập đoàn Xi măng Việt Nam (VICEM) đang tích cực thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thông qua nhiều giải pháp cụ thể, tập trung vào kiểm soát phát thải, tái sử dụng tài nguyên và đổi mới công nghệ. Đây là nội dung chính được đề cập tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội với VICEM ngày 16/07/2025.
Việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Với đặc thù là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng và phát thải lớn, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đang có những bước chuyển mình rõ rệt trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và từng bước tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong khuôn khổ chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường, ngày 16/07, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM). Tại đây, Đoàn đề nghị Tổng Công ty VICEM cung cấp số liệu chi tiết về các dự án, cơ sở đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp giấy phép môi trường trong giai đoạn từ 01/01/2022 đến 30/06/2025. Đồng thời, VICEM cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến môi trường.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) Nguyễn Quốc Việt phát biểu tại cuộc làm việc.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, đến nay, 100% nhà máy sản xuất xi măng của VICEM đã được phê duyệt ĐTM và cấp phép môi trường. Trong đó có 20 dự án mới được cấp phép kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực. Các đơn vị trực thuộc đã triển khai nghiêm túc công tác quản lý chất thải, khí thải, nước thải và quan trắc định kỳ theo quy định. Đáng chú ý, toàn bộ lượng nước sản xuất tại các dây chuyền xi măng được tái sử dụng, các điểm phát sinh khí thải đều được lắp hệ thống lọc bụi và giám sát tự động bằng quan trắc online để kiểm soát chất lượng môi trường.
Tổng Công ty VICEM cũng đang đẩy mạnh sử dụng nhiệt thừa trong lò nung clinker để phát điện, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải. Nhiều đơn vị đã chuyển đổi hệ thống lọc bụi tĩnh điện sang lọc bụi túi nhằm nâng cao hiệu quả xử lý bụi. Đồng thời, các giải pháp sử dụng nguyên liệu thay thế từ chất thải công nghiệp thông thường như rác thải, tro bay, xỉ than, thạch cao nhân tạo… cũng đang được triển khai mạnh mẽ.
Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của VICEM trong việc thực hiện các yêu cầu pháp lý về môi trường, đồng thời đề nghị Tổng Công ty tiếp tục cập nhật đầy đủ số liệu so sánh giữa lượng phát thải thực tế và mức cho phép, cũng như kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính hàng năm. Việc bổ sung thông tin này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và phản ánh chính xác hiệu quả thực thi pháp luật môi trường.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng đề nghị Tổng Công ty tiếp tục báo cáo chi tiết hơn về tiến độ triển khai các chủ trương chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, cần làm rõ hơn các mô hình đang được áp dụng như kinh tế tuần hoàn, đổi mới công nghệ sản xuất thân thiện môi trường là những yếu tố quan trọng trong định hướng tăng trưởng bền vững của VICEM.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Tổng Công ty VICEM trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời chia sẻ một số thách thức lớn mà ngành Xi măng đang phải đối mặt như áp lực đổi mới công nghệ để giảm phát thải, kiểm soát bụi và nước thải mỏ hiệu quả hơn, cũng như yêu cầu ngày càng cao trong việc phục hồi môi trường sau khai thác.
Đồng thời, đề nghị VICEM xác định rõ bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp, chú trọng hoàn thiện hệ thống quản lý nội bộ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Luật Địa chất và khoáng sản 2024. Đồng thời, cần chủ động đề xuất các kiến nghị nhằm điều chỉnh những quy định chưa phù hợp và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hướng tới mục tiêu giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nâng cao khả năng phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó trưởng Đoàn thường trực yêu cầu Tổng Công ty VICEM rà soát, hoàn thiện báo cáo, đảm bảo chất lượng nội dung và gửi bổ sung trước ngày 25/07/2025. Ông cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị từ doanh nghiệp để rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường trong ngành Xi măng.
Cem.Info