» Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành Xi măng, việc cung cấp dịch vụ khách hàng xuất sắc và xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững đã trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và giữ vững vị thế trên thị trường.
• Giải pháp cho ngành Xi măng đối mặt với những thách thức hiện nay (P2)
• Giải pháp cho ngành Xi măng đối mặt với những thách thức hiện nay (P1)
• Giải pháp cho ngành Xi măng đối mặt với những thách thức hiện nay (P3)
Dịch vụ khách hàng chất lượng cao trong ngành Xi măng góp phần củng cố lòng tin và tạo nên mối quan hệ lâu dài với khách hàng, từ đó nâng cao uy tín thương hiệu và gia tăng mức độ trung thành. Khi ưu tiên nhu cầu và sở thích của khách hàng, doanh nghiệp xi măng có thể tạo sự khác biệt với đối thủ, thúc đẩy khách hàng quay lại, tăng giới thiệu và lan tỏa đánh giá tích cực. Theo nghiên cứu của Bain & Company, chỉ cần tăng 5% tỷ lệ giữ chân khách hàng đã có thể làm lợi nhuận tăng từ 25% đến 95%, cho thấy tác động tài chính mạnh mẽ của sự trung thành khách hàng.
Trong thị trường đầy biến động hiện nay, trải nghiệm khách hàng là một yếu tố phân biệt then chốt đối với các nhà sản xuất xi măng muốn nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc cung cấp dịch vụ cá nhân hóa, phản hồi nhanh và tạo giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ và có thể đặt mức giá cao hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và mở rộng thị phần. Theo chỉ số Hài lòng Khách hàng Hoa Kỳ (ACSI), những công ty đạt điểm hài lòng cao vượt trội hơn 20% so với đối thủ về lợi suất thị trường chứng khoán cho thấy mối liên hệ giữa định hướng khách hàng và hiệu quả tài chính.
Một trong những giải pháp công nghệ tiên tiến đang được áp dụng là công nghệ bản sao số (digital twin), cho phép các nhà sản xuất xi măng tạo mô hình ảo cho toàn bộ nhà máy sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể giám sát, mô phỏng và tối ưu hóa thiết bị và quy trình sản xuất theo thời gian thực. Heidelberg Materials đã triển khai công nghệ này trên mạng lưới nhà máy toàn cầu, giúp theo dõi và điều khiển từ xa các thông số sản xuất quan trọng. Nhờ tận dụng dữ liệu thời gian thực và thuật toán dự đoán, công ty đạt được mức tăng 15% về hiệu suất sản xuất và giảm 20% tiêu thụ năng lượng mang lại hiệu quả chi phí và lợi ích môi trường đáng kể.
Song song với đó, dịch vụ bảo trì dự báo (predictive maintenance) cũng là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị dịch vụ khách hàng. Bằng cách tích hợp cảm biến IoT, thuật toán học máy và phân tích dữ liệu nâng cao, doanh nghiệp có thể dự đoán hỏng hóc thiết bị trước khi xảy ra, từ đó thực hiện bảo trì chủ động và giảm thiểu thời gian dừng máy đột xuất. Cemex là một ví dụ điển hình khi triển khai chương trình Cemex Go Maintenance, trang bị cảm biến IoT cho thiết bị của khách hàng và áp dụng thuật toán dự báo để gửi cảnh báo và khuyến nghị bảo trì kịp thời. Nhờ đó, điểm hài lòng khách hàng đã tăng 25% và tỷ lệ gia hạn hợp đồng dịch vụ tăng đến 30%.
Trong lĩnh vực logistics là một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị xi măng các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Chuỗi cung ứng phân tán, sự tham gia của nhiều bên liên quan và quy trình quản lý không đồng nhất gây ra những vấn đề như chậm trễ, thiếu hiệu quả và khó kiểm soát tồn kho. Xi măng là hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận chuyển cao, đòi hỏi xử lý đặc biệt. Các yếu tố như hạ tầng đường sá kém, tắc nghẽn giao thông, quy định về tải trọng phương tiện đều ảnh hưởng tới lịch trình giao hàng và chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành Xi măng đẩy mạnh tối ưu hóa chuỗi cung ứng thông qua tích hợp hoạt động logistics, áp dụng công nghệ số và quy trình quản lý tồn kho hiện đại. Những giải pháp số như cảm biến IoT, hệ thống theo dõi thời gian thực và phân tích dữ liệu dự đoán cung cấp khả năng kiểm soát và giám sát toàn bộ quy trình vận chuyển – giúp tăng hiệu quả sử dụng phương tiện, tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao độ tin cậy trong giao hàng.
Một ví dụ tiêu biểu là Dalmia Cement, một trong những nhà sản xuất xi măng hàng đầu tại Ấn Độ đã triển khai hệ thống quản lý đội xe thông minh. Bằng cách gắn thiết bị GPS và cảm biến lên đội xe tải, công ty theo dõi vị trí xe, tiêu hao nhiên liệu, hành vi tài xế và tình trạng phương tiện theo thời gian thực. Từ đó, Dalmia tối ưu hóa hành trình giao hàng, lập lịch trình hiệu quả và giảm chi phí vận chuyển – mang lại hiệu suất vận hành cao hơn và sự hài lòng của khách hàng tăng đáng kể.
ACC Limited, một nhà sản xuất xi măng lớn khác tại Ấn Độ, cũng đã áp dụng các giải pháp logistics tích hợp IoT để nâng cao hiệu quả mạng lưới phân phối. Công ty lắp đặt cảm biến IoT tại các kho lưu trữ để theo dõi mức tồn kho, điều kiện bảo quản và chất lượng sản phẩm. Bằng cách phân tích dữ liệu dự đoán, ACC có thể ước lượng nhu cầu, bổ sung hàng đúng thời điểm và cắt giảm chi phí tồn kho, từ đó cải thiện vòng quay hàng hóa và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Việc lấy khách hàng làm trung tâm không chỉ là một chiến lược kinh doanh mà còn là nền tảng để doanh nghiệp xi măng tạo ra lợi thế bền vững, nâng cao hiệu quả vận hành và dẫn đầu thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Doanh nghiệp nào biết tận dụng công nghệ và định hướng vào giá trị khách hàng sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua đổi mới và phát triển.
ximang.vn (TH/ Worldcement)