» Ngành Xi măng đóng vai trò then chốt trong mọi công trình xây dựng, từ hạ tầng giao thông đến các tòa nhà cao tầng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững.
Ngành Xi măng luôn được xem là “xương sống” của mọi công trình xây dựng với sản lượng khai thác hơn 4 tỷ tấn/năm, chiếm tới 70% tổng nhu cầu vật liệu xây dựng toàn cầu nhờ khả năng chịu lực vượt trội, độ bền cao và tính đa dụng. Xi măng không chỉ đảm bảo vững chãi cho kết cấu công trình mà còn mang lại giá trị kinh tế khổng lồ, đóng góp hơn 250 tỷ USD vào GDP toàn cầu mỗi năm và tạo ra hàng triệu việc làm trong sản xuất, vận chuyển và thi công. Mỗi 1 USD đầu tư vào hạ tầng, trong đó xi măng đóng vai trò thiết yếu, có thể sinh lợi gấp 3 lần, minh chứng cho hiệu ứng nhân tố mạnh mẽ của ngành đối với tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sản xuất xi măng cũng là nguồn phát thải CO₂ đáng kể, chiếm gần 8% tổng lượng khí thải toàn cầu. Trước áp lực từ các quy định môi trường ngày càng khắt khe, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu thay thế như biomass và chất thải công nghiệp, giúp giảm 20 - 30% lượng CO₂ so với nhiên liệu truyền thống. Đồng thời, họ đầu tư cải tiến kỹ thuật lò nung và hệ thống thu hồi nhiệt để tiết kiệm năng lượng, áp dụng IoT và trí tuệ nhân tạo để giám sát thời gian thực, điều chỉnh thông số lò nung theo sát tiêu chí vận hành, từ đó giảm thất thoát và tăng hiệu suất.
Bên cạnh nỗ lực “xanh hóa” sản xuất, các nhà máy xi măng cũng mở rộng danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Ngoài các loại xi măng truyền thống, người dùng ngày càng ưa chuộng dòng xi măng hiệu suất cao, chuyên dụng với khả năng chống thấm, chống hóa chất, tuổi thọ bền vượt trội. Đặc biệt, xi măng “xanh” giảm tối đa hàm lượng clinker và lượng khí thải CO₂ đang chiếm ưu thế trong các dự án xây dựng theo tiêu chuẩn LEED và công trình xanh. Những ý tưởng đột phá như xi măng phục vụ công nghệ in 3D cũng đã được thử nghiệm, hứa hẹn rút ngắn thời gian thi công và giảm thiểu phụ thuộc vào lao động thủ công.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và biến động nhanh của thị trường, doanh nghiệp xi măng buộc phải có tầm nhìn chiến lược và năng lực thích ứng linh hoạt. Việc ứng dụng phân tích dữ liệu dự đoán giúp nắm bắt sớm xu hướng tiêu dùng, chủ động điều chỉnh sản phẩm và chiến lược kinh doanh. Đồng thời, khác biệt hóa bằng công nghệ mới, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và tối ưu hóa chuỗi cung ứng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường xi măng toàn cầu dự kiến đạt 481 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép 5,7%/năm, mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp nhanh nhạy và đổi mới kịp thời.
Trên chặng đường phát triển phía trước, cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ là thách thức mà còn là động lực để ngành xi măng tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột, góp phần xây dựng hạ tầng bền vững cho thế giới.
(Còn nữa)
ximang.vn (TH/ Worldcement)