» Chính phủ Anh vừa công bố khoản đầu tư 39 triệu USD từ Quỹ Tài sản Quốc gia để triển khai dự án Peak Cluster - dự án thu giữ và lưu trữ carbon từ các nhà máy xi măng và vôi tại vùng Peak District. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện đại hóa ngành công nghiệp này, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngành xi măng toàn cầu đang chịu áp lực lớn về phát thải CO₂, và Anh đang là quốc gia đi đầu với chiến lược đầu tư vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCUS). Việc triển khai dự án Peak Cluster không chỉ giảm thiểu khí thải công nghiệp mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Vương quốc Anh trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các doanh nghiệp xi măng, vôi cùng Chính phủ đang liên kết để xây dựng hạ tầng thu giữ carbon là xu hướng bắt buộc trong tương lai của ngành Vật liệu xây dựng.
Dự án Peak Cluster sẽ xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí CO₂ từ các nhà máy xi măng và vôi tại vùng Peak District đến khu lưu trữ dưới đáy biển Ireland. Đây là liên danh hợp tác giữa Chính phủ và các doanh nghiệp lớn như Holcim, Tarmac, Breedon, SigmaRoc và Summit Energy Evolution với tổng số vốn đầu tư lên tới 60 triệu bảng Anh (khoảng 81,6 triệu USD). Trong đó, 28,6 triệu bảng đến từ Quỹ Tài sản Quốc gia mới thành lập, 31 triệu bảng còn lại từ khối tư nhân.
Phần carbon thu giữ sẽ được vận chuyển đến địa điểm lưu trữ Morecambe Net Zero (MNZ), do Spirit Energy phát triển. MNZ sử dụng lại các mỏ khí cạn dưới biển Ireland để lưu giữ CO₂, giúp ngăn chặn hơn 3 triệu tấn phát thải mỗi năm. Spirit Energy cho biết, dự án sẽ giúp giảm tới 40% lượng CO₂ từ toàn bộ hoạt động sản xuất xi măng tại Vương quốc Anh.
Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves nhấn mạnh, chúng tôi đang hiện đại hóa ngành xi măng và vôi, xây dựng hạ tầng thu giữ carbon thiết yếu và tạo cơ hội việc làm tại Derbyshire. Theo tính toán, dự án sẽ giữ vững hơn 2.000 việc làm hiện hữu tại vùng Peak District và tạo thêm 1.200 việc làm xây dựng khi triển khai đường ống và nhà máy thu giữ carbon.
Peak Cluster được đánh giá là bước đệm cho chiến lược đầu tư dài hạn vào các ngành công nghiệp xanh. Đây là khoản tài trợ đầu tiên cho lĩnh vực thu giữ carbon từ Quỹ Tài sản Quốc gia, quỹ này dự kiến rót ít nhất 5,8 tỷ bảng Anh từ nay đến năm 2030 vào CCS, hydrogen, cảng biển, gigafactory và sản xuất thép xanh.
Ông John Egan, Giám đốc điều hành Peak Cluster chia sẻ, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để dự án Peak Cluster và MNZ thực sự trở thành trụ cột phát triển bền vững, giúp bảo vệ ngành Xi măng và Vôi là những ngành công nghiệp nền tảng của quốc gia.
Hiệp hội Sản phẩm Khoáng sản Anh (MPA) cho biết, 40% sản lượng xi măng và vôi của cả nước đến từ vùng Peak District. Việc lựa chọn khu vực này làm điểm khởi đầu cho hệ thống CCUS là lựa chọn mang tính chiến lược, có thể nhân rộng ra các khu vực công nghiệp khác trên toàn quốc. Theo kế hoạch, hồ sơ xin phê duyệt phát triển hệ thống đường ống CCUS sẽ được đệ trình trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2026.
Với sự kết hợp giữa Chính phủ Anh thông qua Quỹ Tài sản Quốc gia và các doanh nghiệp đầu ngành như Holcim, Tarmac, Breedon, SigmaRoc và Summit Energy Evolution, dự án Peak Cluster đang đặt nền móng cho quá trình phi carbon hóa ngành Xi măng tại Vương quốc Anh. Đây không chỉ là bước đột phá trong nỗ lực giảm phát thải của ngành xi măng mà còn là hình mẫu cho các quốc gia khác học hỏi khi xây dựng chính sách công nghiệp xanh, đồng thời cũng là điểm hội tụ giữa các lĩnh vực như công nghệ, tài chính và chiến lược phát triển; chúng tạo điều kiện cho việc gắn kết chặt chẽ giữa Chính phủ và các doanh nghiệp.
Cem.Info