Thực trạng nguồn cung
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, đa dạng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, trong đó, trữ lượng khoáng sản làm VLXD khá lớn. Thực tế cho thấy, ngành sản xuất VLXD trên địa bàn thời gian qua phát triển nhanh, vươn lên thành tỉnh đứng đầu cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 600 dự án đầu tư khai thác, chế biến, sản xuất VLXD, một số sản phẩm chủ lực, như xi măng, thép xây dựng, gạch xây, đá xây dựng, cát xây dựng (cát tự nhiên và cát nhân tạo), đá ốp lát, cát xây dựng, tấm lợp, gạch gốm ốp lát, vôi công nghiệp... đang hoạt động sản xuất ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động, giá trị sản xuất công nghiệp vật liệu hàng năm đạt hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó, xuất khẩu khoảng 230 triệu USD và đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Công nhân nhà máy Xi măng Long Sơn trong ca sản xuất.
Về công tác quy hoạch, hiện nay trên địa bàn tỉnh đất làm vật liệu san lấp, đất đắp đê, đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch nung tuynel có 230 mỏ, diện tích khoảng 2.389 ha, trữ lượng khoảng 210 triệu m³. Đá làm VLXD thông thường có 190 mỏ, khu mỏ, với tổng diện tích 3.999 ha, trữ lượng khoảng 593 triệu m³. Mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân cấp cho tỉnh quản lý có 13 mỏ, với tổng diện tích 146 ha, trữ lượng khoảng 649.351 tấn. Cát làm VLXD có 124 mỏ, điểm mỏ, với tổng diện tích 571 ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m³. Trên cơ sở các quy hoạch, đề án phát triển VLXD được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Xây dựng, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đã kêu gọi đầu tư dự án khai thác khoáng sản làm VLXD. Đến nay, có khoảng 600 dự án sản xuất VLXD đã đầu tư, như: xi măng 4 dự án, công suất thiết kế 19,56 triệu tấn/năm, hiện sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu; thép xây dựng 1 dự án, công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; gạch nung tuynel 41 dự án, công suất thiết kế 1.295 triệu viên/năm, hiện sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu; gạch không nung 52 dự án, công suất thiết kế 1.204 triệu viên/năm, hiện sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu; đá ốp lát tự nhiên có 131 dự án, công suất thiết kế 25 triệu m²/năm, hiện sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu; khai thác cát xây dựng tự nhiên 40 dự án, công suất thiết kế 0,844 triệu m³/năm, thiếu khoảng 1 triệu m³/năm; khai thác đất san lấp 40 dự án, công suất thiết kế 2,88 triệu m³/năm, thiếu cho việc thi công đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Thanh Hóa và các công trình đang triển khai thi công khác trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả đầu tư sản xuất cho thấy, nhiều năm qua việc cung cấp VLXD trên địa bàn tỉnh ổn định. Theo thống kê của Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng đất san lấp từ nay đến hết năm 2025 khoảng 180 triệu m³, trong khi đó trữ lượng đã quy hoạch nêu trên mới đạt khoảng 158 triệu m3 và còn thiếu khá nhiều. Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản phải bảo đảm các quy định của pháp luật và rà soát, kiểm tra cụ thể mới có thể đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch.
Nguyên nhân giá tăng cao, nguồn cung khan hiếm
Trên địa bàn tỉnh từ tháng 4/2021 đến nay, giá các loại VLXD, nhiên liệu có nhiều biến động tăng giá, nhất là cát, đá, xi măng, sắt thép, nhựa đường, xăng, dầu. Một số loại VLXD tăng đột biến so với cùng kỳ, như cát tăng từ 15 - 30%, xi măng tăng 23%, dầu diezen tăng 58%, xăng tăng 25%, nhựa đường tăng 17%... Giá VLXD tăng cao, nguồn cung thiếu đã ảnh hưởng trực tiếp đến tổng mức đầu tư dự án, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây lắp. Đồng thời, gây ra nhiều khó khăn khi thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là loại hình hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định (là loại hợp đồng không được điều chỉnh do biến động giá VLXD theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ về hợp đồng xây dựng, sửa đổi bổ sung Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ.
Nguyên nhân chủ yếu giá VLXD thời gian qua có nhiều biến động về giá, như nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu nhập khẩu (xăng, dầu, nhựa đường, sắt thép...) nguồn cung và giá cả phụ thuộc vào thị trường thế giới. Giá xăng, dầu tăng làm tăng giá VLXD (tăng giá thành khai thác, sản xuất, giá cước vận chuyển, giá ca máy, thiết bị). Đi đôi với đó là khó khăn trong việc kiểm soát giá VLXD, như cát, đá, đất đắp nền, bê tông thương phẩm... vì đây là những loại VLXD không thuộc danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, bình ổn giá và tổ chức hiệp thương giá, các doanh nghiệp tự định giá bán sản phẩm và niêm yết giá bán theo quy định. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn triển khai đầu tư xây dựng, như tuyến cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa, có chiều dài khoảng 98,1 km, nhu cầu khoảng 11 triệu m3 đất; dự án đường giao thông nối Quốc lộ 217 với Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47, có chiều dài khoảng 14,7 km; dự án đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa có chiều dài khoảng 16,44 km; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Nga Sơn - Hoằng Hóa, có chiều dài khoảng 24,7 km; dự án đường Vạn Thiện đi Bến En, có chiều dài khoảng 12,2 km... và nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư. Bên cạnh đó, khi lập dự án đầu tư, đơn vị tư vấn chưa khảo sát kỹ khối lượng, chất lượng tại các mỏ vật liệu, ấn định khối lượng cho công trình trên công suất cấp phép.
Giải pháp bảo đảm ổn định
Hiện nay, UBND tỉnh đã cấp giấy phép khai thác cho 40 mỏ/153 mỏ đã quy hoạch (trữ lượng cấp phép khai thác 29,8 triệu m³, công suất khai thác 2,88 triệu m³/năm/158 triệu m³ đã quy hoạch). Riêng đối với giai đoạn năm 2021 - 2022 tỉnh đã bổ sung quy hoạch 75 mỏ đất, với trữ lượng 54,11 triệu m³. Tuy nhiên, hiện việc cấp phép khai thác còn chậm, gặp nhiều vướng mắc do các quy định của pháp luật, vì vậy trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ đất để bổ sung nguồn cung, đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng. Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép các đơn vị khai thác đá được tận thu khoáng sản đất xen kẹp, đất đá xô bồ tại các mỏ đá đã được cấp phép để làm vật liệu san lấp công trình (nếu bảo đảm điều kiện). Khuyến khích, hướng dẫn các mỏ đá đã được cấp phép làm VLXD thông thường lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền từ đá, nhất là sản xuất cát xây trát) để tăng nguồn cát cho công trình xây dựng, giảm thiểu việc sử dụng cát tự nhiên cho công trình xây dựng.
Đối với các loại nguyên liệu, nhiên liệu chính, như xi măng, sắt, thép, xăng, dầu... và các loại VLXD thông thường khác, từ tháng 4/2021 đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã thực hiện 14 lần cập nhật, công bố giá VLXD làm cơ sở cho các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và các đơn vị có liên quan thực hiện việc lập, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình cho sát với mức giá thực tế trên thị trường; và từ tháng 7/2022 đã thực hiện công bố giá VLXD hằng tháng. Để kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa tiếp tục thi công công trình đúng tiến độ, vừa bảo đảm các quy định của pháp luật, Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ chế điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và VLXD ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư, nhà thầu cho khối lượng thực hiện trong thời gian biến động giá.
Đi đôi với đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cần lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp, hạn chế sử dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói trong thời gian có nhiều biến động giá VLXD. Tăng cường công tác quản lý hợp đồng xây dựng, xử lý nghiêm bên vi phạm cam kết trong hợp đồng xây dựng khi làm chậm tiến độ thực hiện hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật áp dụng trong hợp đồng. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, khảo sát giá, trữ lượng, khối lượng cung ứng VLXD tại các mỏ, điểm tập kết, nơi sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và cung ứng VLXD trên địa bàn tỉnh để bám sát diễn biến của thị trường VLXD. Trên cơ sở đó, kịp thời cập nhật, công bố hàng tháng (hoặc sớm hơn) giá những loại vật liệu có biến động lớn để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng biết, thực hiện. Giao Sở Tài chính tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của UBND tỉnh theo quy định của Bộ Tài chính. Giao Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất các mặt hàng thuộc diện kê khai giá, như xi măng, sắt thép... Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố hằng tháng tiến hành khảo sát, điều tra giá VLXD trên địa bàn và báo cáo kết quả khảo sát giá gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15 hằng tháng, làm cơ sở để Sở Xây dựng, Sở Tài chính công bố giá vật liệu đến hiện trường xây lắp.
ximang.vn (TH/ Báo Thanh Hóa)