» Liên minh châu Âu (EU) đang siết chặt tiêu chuẩn môi trường thông qua cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), dự kiến có hiệu lực chính thức từ ngày 01/01/2026. Các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU, đặc biệt trong các lĩnh vực như sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón... trong đó có nhiều nhà sản xuất châu Á như Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế carbon nếu sản phẩm vượt ngưỡng phát thải theo tiêu chuẩn EU. Đây là rào cản kỹ thuật mới mang tính chất quyết định đến khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường châu Âu của các ngành công nghiệp chủ lực khu vực.
Thương mại toàn cầu hiện nay ngày càng gắn chặt với các tiêu chuẩn môi trường, việc EU triển khai CBAM đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại quốc tế. Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và ngăn chặn hiện tượng "rò rỉ carbon", cơ chế này đặt ra yêu cầu khắt khe về khai báo phát thải và nghĩa vụ tài chính mới cho các doanh nghiệp ngoài khối. Điều này khiến CBAM không chỉ là một công cụ môi trường mà còn là hàng rào kỹ thuật có ảnh hưởng sâu rộng tới chuỗi cung ứng và chiến lược sản xuất của các doanh nghiệp châu Á, đặc biệt là trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Theo kế hoạch, giai đoạn thử nghiệm CBAM kéo dài từ tháng 10/2023 đến hết năm 2025. Trong thời gian này, các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU bắt buộc phải khai báo mức phát thải CO₂ trong quá trình sản xuất. Từ năm 2026, cơ chế thu phí sẽ chính thức vận hành: các nhà nhập khẩu tại EU phải mua tín chỉ carbon nếu sản phẩm từ các quốc gia thứ 3 có lượng phát thải vượt chuẩn. Điều này khiến chi phí tăng đáng kể nếu nhà sản xuất chưa đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch.
Đối với ngành Thép Việt Nam là lĩnh vực chiếm đến 96% giá trị xuất khẩu các nhóm hàng chịu tác động bởi CBAM, đây là thách thức đặc biệt lớn. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), EU hiện chiếm khoảng 30% sản lượng thép dẹt xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024. Cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) đang được áp dụng hiện nay sẽ tiếp tục duy trì đến hết năm 2025, nhưng từ quý 2/2025, EU sẽ bắt đầu giới hạn trần xuất khẩu theo từng quốc gia. Khi CBAM chính thức thay thế TRQ, các nhà sản xuất sử dụng công nghệ lò cao (BOF), vốn phát thải lượng CO₂ lớn sẽ đánh mất dần lợi thế về giá thành.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) nhận định, hiện tại CBAM đang ở giai đoạn 1, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải khai báo mức phát thải. Từ năm 2026, việc bắt buộc mua chứng chỉ phát thải sẽ làm tăng chi phí, khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh nếu không chủ động giảm phát thải trong sản xuất. Ngoài ra, quy trình khai báo cũng được xem là một rào cản kỹ thuật nếu thiếu minh bạch, thống nhất và khả năng kiểm chứng.
Ngành Xi măng Việt Nam cũng đối mặt với rủi ro lớn. Hiện cả nước có 57 nhà máy xi măng đang hoạt động, nhưng theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, lĩnh vực xi măng chiếm tới 57% lượng phát thải CO₂ trong sản xuất vật liệu xây dựng. Nguồn phát thải chủ yếu đến từ than đốt (36%) và điện (gần 6%). Do đó, nếu xuất khẩu clinker và xi măng sang EU khi CBAM có hiệu lực, sản phẩm Việt Nam sẽ chịu mức thuế carbon rất cao, do chi phí năng lượng lớn và tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất còn thấp.
Trước những thách thức này, từ tháng 8/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 6082/VPCP-NN yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động xây dựng và triển khai các nhiệm vụ ứng phó với CBAM. Bộ Công Thương hiện đang làm đầu mối xây dựng đề án, thúc đẩy đối thoại quốc tế và nghiên cứu tác động của CBAM đến các nhóm hàng xuất khẩu chính như sắt thép, nhôm, xi măng...
Theo các chuyên gia, CBAM là dấu mốc thay đổi lớn trong chính sách thương mại, môi trường toàn cầu. Đây không chỉ là công cụ kiểm soát khí thải mà còn là yếu tố định hình lại cấu trúc sản xuất và cạnh tranh quốc tế. Để không bị loại khỏi thị trường EU là nơi vốn có yêu cầu kỹ thuật và môi trường cao, các doanh nghiệp cần gấp rút cập nhật công nghệ, đầu tư sản xuất xanh, minh bạch dữ liệu phát thải và chuẩn hóa quy trình khai báo. Những hành động này không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi với CBAM mà còn mở ra cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững trong tương lai.
Cem.Info