» Giá vật liệu xây dựng tại TP. Hà Nội đang có sự chênh lệch rõ rệt giữa các khu vực nội thành, ven đô và ngoại thành. Tình trạng này không chỉ khiến việc lập dự toán công trình trở nên khó khăn mà còn gây áp lực tài chính lớn cho cả nhà thầu và người dân là những người trực tiếp gánh chi phí xây dựng ngày một tăng cao.
Tại Hà Nội, giá vật liệu xây dựng không đồng đều giữa các quận nội thành, vùng ven và khu vực ngoại thành, gây ra nhiều hệ lụy trong quá trình xây dựng, lập dự toán và kiểm soát chi phí. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ thi công chậm, chi phí đầu tư bị đội lên và người dân phải trả giá cao hơn khi xây dựng nhà ở. Việc nắm rõ biến động giá vật liệu xây dựng theo khu vực sẽ giúp nhà thầu, chủ đầu tư và cá nhân có phương án điều chỉnh phù hợp, tránh rủi ro tài chính và sai lệch trong thanh quyết toán công trình.
Giá vật liệu xây dựng chênh lệch theo từng khu vực
Tình trạng phân mảnh thị trường vật liệu xây dựng tại Hà Nội đang trở thành một thách thức lớn đối với cả người dân lẫn doanh nghiệp xây dựng. Cùng một loại vật liệu như cát xây dựng, đá xây dựng, đá dăm... nhưng giá tại khu vực nội thành có thể cao hơn 10 - 21% so với vùng ven và ngoại thành. Sự chênh lệch này chủ yếu đến từ chi phí vận chuyển, hạn chế tải trọng trong phố, thiếu mặt bằng trung chuyển và đặc thù địa bàn đô thị.
Theo công bố tháng 6/2025 của Sở Xây dựng Hà Nội, giá cát xây dựng ở quận nội thành như Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng đang ở mức 345.000 đồng/m³, trong khi ở các huyện như Thường Tín, Đan Phượng chỉ vào khoảng 286.000 đồng/m³. Cát vàng nội thành đạt 697.000 đồng/m³, cao hơn 10 - 15% so với các khu vực như Sơn Tây, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm.
Đá xây dựng cũng có mức giá khác biệt rõ rệt. Đá 1x2 tại nội đô là 377.000 đồng/m³, trong khi các vùng như Mỹ Đức, Ứng Hòa chỉ khoảng 339.000 đồng/m³. Giá đá dăm cấp phối lớp trên dao động từ 301.000 - 334.000 đồng/m³ tùy từng khu vực.
Trong bối cảnh này, người dân xây dựng nhà ở trong khu vực nội đô thường phải đối mặt với chi phí phát sinh ngoài dự kiến. Chỉ tính riêng giai đoạn làm móng, có trường hợp phát sinh trên 60 triệu đồng do giá vật liệu và vận chuyển đội lên. Với những công trình trong ngõ nhỏ, chi phí trung chuyển tăng mạnh vì phải dùng xe nhỏ hoặc thuê thêm nhân công.
Tình trạng này cũng gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu dân dụng. Nhiều đơn vị dù tính toán theo giá trung bình thành phố nhưng khi triển khai thực tế tại các quận trung tâm lại phải điều chỉnh gấp vì giá vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt chi phí vận chuyển phát sinh. Nếu không điều chỉnh kịp thời, khả năng bị lỗ là rất lớn.
Lập dự toán gặp nhiều rủi ro
Sự chênh lệch giá vật liệu không chỉ là bài toán tài chính mà đã trở thành rủi ro lớn trong quá trình lập và kiểm soát dự toán công trình. Dù theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BXD và 14/2023/TT-BXD, đơn giá đến chân công trình cần tính đủ các yếu tố vận chuyển, hao hụt, trung chuyển, bảo quản... nhưng nhiều đơn vị vẫn áp dụng đơn giá cố định từ công bố của Sở Xây dựng mà không cập nhật theo thực tế địa bàn thi công.
Thực tế đã có những công trình bị loại chi phí sau khi kiểm toán vì dùng giá vật liệu xây dựng của khu vực ngoại thành để áp cho dự án nội thành. Một mức chênh 60.000 đồng/m³ đối với cát, nhân lên vài nghìn mét khối, có thể đội thêm hàng trăm triệu đồng chi phí không được chấp nhận thanh toán.
Các doanh nghiệp xây dựng nhỏ và vừa cũng gặp khó khăn khi triển khai nhiều công trình ở các địa bàn khác nhau, mỗi nơi một bảng giá, một hệ thống cung ứng. Dùng chung một nhà cung cấp thì chi phí vận chuyển tăng mạnh, phân tán đầu mối lại khó kiểm soát chất lượng. Nhiều đơn vị không thể điều chỉnh giá hợp đồng đã ký, dẫn đến phải tự gánh phần phát sinh.
Để khắc phục, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội cần phối hợp cùng Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển hệ thống bản đồ cung ứng vật liệu số, cho phép tra cứu giá theo khu vực, loại vật liệu và khoảng cách vận chuyển. Đây sẽ là công cụ hữu ích giúp lập dự toán sát thực tế, giảm thiểu sai lệch, kiểm soát tốt chi phí đầu tư và minh bạch trong thanh quyết toán công trình.
Theo ý kiến từ giới chuyên gia, thành phố cũng nên xem xét cơ chế công bố giá động theo vùng, cập nhật theo thời gian thực, tích hợp bản đồ điểm cung ứng và chi phí phát sinh. Khi hạ tầng logistics chưa hoàn thiện, thiếu quy hoạch bãi tập kết vật liệu, thì tình trạng “sốt giá cục bộ” là khó tránh. Và cuối cùng, người phải gánh thiệt hại vẫn là người dân và các doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Chênh lệch giá vật liệu xây dựng tại Hà Nội không còn là vấn đề địa phương hóa đơn giản, mà phản ánh rõ khoảng trống trong công tác quản lý thị trường. Để giảm bớt áp lực cho nhà thầu, người dân và đảm bảo hiệu quả đầu tư, thành phố cần đẩy mạnh cải cách cơ chế công bố giá, tổ chức lại hệ thống cung ứng và ứng dụng dữ liệu số trong quản lý thị trường vật liệu xây dựng.
Cem.Info