» Giá cát và đá xây dựng tăng mạnh trong tháng 6 đang gây nhiều khó khăn cho các dự án hạ tầng và công trình xây dựng trên cả nước. Tình trạng khan hiếm vật liệu khiến chi phí đội lên cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, nhất là với những công trình trọng điểm.
Trước làn sóng tăng giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm cát xây dựng và đá xây dựng, ngành Xây dựng đang đối diện với áp lực lớn về chi phí và tiến độ. Câu hỏi đặt ra là đâu là giải pháp thực tiễn, bền vững để ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới các dự án đang triển khai?
Theo báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 6 giá cát xây dựng đã tăng từ 29,95 - 58,45% so với tháng trước. Cùng thời điểm, giá đá xây dựng tăng từ 7,3 - 11,11%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu xây dựng tăng mạnh trong khi nguồn cung vật liệu lại bị thu hẹp. Nhiều mỏ cát đang tạm ngừng hoạt động vì lý do hết hạn giấy phép, gây sạt lở, chồng lấn địa giới hoặc tự nguyện ngừng khai thác. Đặc biệt tại khu vực miền Trung, việc thiếu các trạm nghiền cát thay thế khiến thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào cát tự nhiên, làm gia tăng căng thẳng cung ứng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với mặt hàng đá xây dựng. Khi nhiều địa phương thiếu cát tự nhiên và phải chuyển sang dùng cát nghiền, nhu cầu đá là nguyên liệu đầu vào của cát nghiền tăng vọt, đẩy giá lên cao. Trong khi đó, các vật liệu như xi măng, thép, nhựa đường vẫn giữ mức ổn định hoặc chỉ biến động nhẹ. Cụ thể, giá thép tháng 6 tăng trung bình 1,2%, giá nhựa đường tăng khoảng 0,16 - 0,33% do ảnh hưởng từ giá xăng dầu và chi phí vận chuyển. Giá xi măng không thay đổi do các dây chuyền sản xuất vẫn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, dù chi phí sản xuất có xu hướng tăng.
Tình hình khan hiếm vật liệu đã ảnh hưởng rõ rệt đến tiến độ các công trình lớn. Tại một đại dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam, tính đến ngày 10/6, khối lượng đá cung ứng mới chỉ đạt khoảng 1,38 triệu m³, trong khi tổng nhu cầu cả năm lên đến gần 4,92 triệu m³. Tỷ lệ đá đáp ứng chỉ đạt khoảng 9%, tạo áp lực lớn cho các nhà thầu trong việc đảm bảo tiến độ. Tại một dự án giao thông đô thị ở Hà Nội, nhà thầu cho biết giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát và đá đã tăng từ 15 - 20% so với tháng trước. Giá tính đến chân công trình dao động từ 470.000 - 500.000 đồng/m³, nhưng vẫn rất khó mua do nguồn cung khan hiếm. Trong bối cảnh đó, các đơn vị thi công buộc phải chấp nhận giá cao để giữ tiến độ.
Để tháo gỡ tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nhiều địa phương đã có hành động kịp thời. Tại Đồng Nai, nơi tập trung nhiều dự án trọng điểm, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với các Sở, ngành và đơn vị liên quan để phân bổ khoáng sản phục vụ thi công. Phần lớn các mỏ vật liệu san lấp do các chủ đầu tư đề xuất đã được cấp phép. Riêng nguồn đất đắp đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho việc thi công nền đường.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cũng đang kiến nghị áp dụng Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ cho phép tăng 50% công suất khai thác đối với 14 mỏ đá hiện có. Nếu được chấp thuận, từ nay đến cuối năm, các mỏ này có thể bổ sung thêm khoảng 5,2 triệu m³ đá, giúp giải tỏa áp lực cho các dự án khu vực phía Nam.
Theo đánh giá của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, giá vật liệu trong nửa cuối năm 2025 vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chi phí năng lượng, biến động tài chính, mất cân đối cung - cầu và tình hình thị trường bất động sản. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ vật liệu, tìm kiếm nguồn cung ổn định và chuẩn bị kịch bản ứng phó với biến động giá. Không thể trông chờ vào các giải pháp đơn lẻ, mà cần một chiến lược tổng thể, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Trước mắt, cần tập trung rà soát các mỏ khoáng sản đủ điều kiện để đưa vào khai thác sớm, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đấu giá các mỏ đã sẵn sàng về pháp lý. Song song đó, các chủ đầu tư và nhà thầu nên triển khai các giải pháp thiết kế - thi công tiết kiệm vật liệu, tránh lãng phí và giảm hao phí. Việc tối ưu thiết kế công trình, hạn chế sử dụng cấu kiện quá dày, vật liệu phủ dư thừa hay chiều cao không hợp lý sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí vật liệu.
Ngoài ra, việc khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế cũng là hướng đi cần được nhân rộng. Xỉ nhiệt điện, cốt liệu tái sinh từ bê tông phá dỡ, nhựa tái chế… có thể thay thế một phần vật liệu truyền thống mà vẫn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đồng thời góp phần giảm áp lực lên nguồn cung tự nhiên, tiến tới phát triển xây dựng bền vững hơn.
Cem.Info