» 6 tháng đầu năm 2025, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) ghi nhận tín hiệu phục hồi rõ nét, khi doanh thu toàn hệ thống đạt 13.612 tỷ đồng, hoàn thành 47,1% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, đây được xem là chuyển biến tích cực sau thời kỳ thua lỗ kéo dài.
Thị trường xi măng đang dần lấy lại nhịp sau thời gian trầm lắng, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn chung của ngành như dư cung, cạnh tranh gay gắt, chi phí đầu vào tăng cao... Tổng Công ty VICEM nổi bật với vai trò doanh nghiệp Nhà nước dẫn dắt thị trường, ghi dấu ấn bằng sự phục hồi cả về sản xuất và tài chính. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy đà tăng trưởng đã trở lại với ngành Xi măng, đặc biệt trong bối cảnh các dự án đầu tư công và hạ tầng đang được đẩy mạnh.
Phục hồi sản xuất, tài chính tăng trưởng trở lại
Tại Hội nghị sơ kết sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025, Tổng Công ty VICEM đã công bố nhiều kết quả đáng khích lệ: sản lượng clinker đạt 8 triệu tấn (tăng 6,5%), xi măng gần 11 triệu tấn (tăng 9,8%), tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 12 triệu tấn (tăng 5%).
Doanh thu toàn hệ thống đạt 13.612 tỷ đồng, hoàn thành 47,1% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, đây là một bước ngoặt so với khoản lỗ 811 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, các đơn vị như VICEM Hải Phòng, VICEM Hoàng Thạch, VICEM Bỉm Sơn đều ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ từ 18% - 23%, nhờ đẩy mạnh tiêu thụ xi măng rời cho các dự án lớn và ra mắt các sản phẩm mới như Lion King, Super Green, New Elephant, xi măng xỉ...
Trong sản xuất, VICEM tiếp tục tối ưu vận hành, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh sửa chữa nội bộ, kiểm soát tồn kho clinker. Tổng Công ty cũng phối hợp với các đơn vị thành viên như VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hà Tiên, VICEM Hạ Long, VICEM Hải Vân đánh giá khả năng tái khởi động các lò nung để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi thị trường xi măng phục hồi.
VICEM đang nỗ lực hỗ trợ toàn diện đưa lò nung nhà máy Xi măng Hạ Long vận hành trở lại vào tháng 8 tới đây.
Bên cạnh đó, VICEM đẩy mạnh các giải pháp sử dụng rác thải, bùn thải làm nhiên liệu và nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker. Đây không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí mà còn giúp nâng cao hiệu quả môi trường, phù hợp xu hướng phát triển bền vững.
Về mặt tổ chức, VICEM đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện theo Đề án giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung xử lý các khoản đầu tư tài chính kém hiệu quả, sắp xếp lại công ty con và hỗ trợ phục hồi các đơn vị thua lỗ như VICEM Hạ Long là nơi Tổng Công ty đang hỗ trợ toàn diện về kỹ thuật, nhân lực và tài chính, dự kiến đưa lò nung vận hành trở lại vào tháng 8/2025.
Giải pháp 6 tháng cuối năm, kỳ vọng hoàn thành mục tiêu 2025
Bước vào quý 3/2025, VICEM tập trung giám sát, đôn đốc các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm quy định về địa bàn và giá bán, kiên quyết không tiêu thụ dưới chi phí biến đổi. Đẩy mạnh gia công xi măng giữa các thương hiệu nội bộ để tối ưu logistics, đồng thời xây dựng chính sách giá linh hoạt theo khu vực, chủng loại, nhằm duy trì hiệu quả kinh doanh.
Trong tiêu thụ, VICEM ưu tiên thị trường nội địa, đặc biệt tại các dự án hạ tầng giao thông, nhằm bù đắp phần sản lượng xuất khẩu sụt giảm. Song song, Tổng Công ty tiếp tục tăng cường mở rộng thị trường quốc tế, linh hoạt chào giá để giữ vững các thị trường xuất khẩu xi măng truyền thống như Philippines, Bangladesh, Australia... đồng thời tìm kiếm cơ hội mới tại các thị trường mới như New Zealand, Myanmar và khu vực châu Phi.
Ở mảng nguyên liệu, VICEM tiếp tục phối hợp với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thông qua đơn vị thành viên VICEM E&E để đảm bảo cung ứng than ổn định; ưu tiên sử dụng sản phẩm nội bộ như thạch cao, vỏ bao xi măng nhằm tiết giảm chi phí và gia tăng tính chủ động.
Về đầu tư, VICEM đang tập trung vào các dự án công nghệ chiều sâu nhằm giảm tiêu hao năng lượng, phát điện từ nhiệt thải, xử lý các dự án dở dang và hoàn thiện Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM.
Ngoài ra, Tổng Công ty đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao quản trị nội bộ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào vận hành sản xuất, hướng tới mô hình doanh nghiệp hiện đại và minh bạch đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đánh giá cao nỗ lực của Tổng Công ty VICEM, đặc biệt trong việc phục hồi sau giai đoạn khó khăn và trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Ông nhấn mạnh VICEM cần tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường xi măng, đảm bảo kỷ luật quản trị, tiết kiệm, tránh thất thoát vốn và thực hiện hiệu quả công tác tái cơ cấu, đặc biệt tại nhà máy Xi măng Hạ Long.
Tiếp thu chỉ đạo, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty, ông Nguyễn Quốc Việt cam kết VICEM sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường nội địa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các công trình hạ tầng trọng điểm, phát triển sản phẩm xanh và bền vững, đồng thời quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh doanh 2025, từng bước lấy lại vị thế đầu tàu ngành Xi măng.
Cem.Info