» Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngành Thép, đặc biệt trong bối cảnh dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị khởi động. Dòng tiền đổ vào HPG, HSG, NKG cùng các chính sách bảo hộ thương mại và nhu cầu nội địa tăng trưởng đã tạo lực đẩy giúp nhóm ngành này vượt qua khó khăn chung của thị trường toàn cầu.
Cổ phiếu ngành Thép đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư khi nhiều tín hiệu tích cực như nhu cầu trong nước tăng mạnh, các dự án hạ tầng quy mô lớn được đẩy nhanh và các chính sách bảo hộ thương mại phát huy hiệu quả. Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD được kỳ vọng sẽ kích hoạt làn sóng tiêu thụ thép chất lượng cao trong nước, tạo động lực tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp đầu ngành như HPG, HSG, NKG. Đây là thời điểm giới đầu tư đang dõi theo từng bước đi của nhóm cổ phiếu thép khi cơ hội bứt phá trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Các cổ phiếu thép như HPG, HSG, NKG tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực trên sàn chứng khoán. Trong phiên giao dịch ngày 10/09, cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát vươn lên mốc 25.000 đồng/cp với gần 85 triệu đơn vị được khớp lệnh, mức thanh khoản rất cao. Trong các phiên gần đây, cổ phiếu này liên tiếp được khối ngoại mua ròng. Cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đạt 17.600 đồng/cp với khối lượng giao dịch 7,6 triệu đơn vị, trong khi cổ phiếu NKG của Công ty CP Thép Nam Kim cũng cán mốc 14.000 đồng/cp với tổng khớp lệnh 13 triệu đơn vị và liên tục hút dòng tiền ngoại.
Lý giải dòng vốn đổ mạnh vào nhóm ngành Thép, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán MBS cho biết nhu cầu thép nội địa đang tăng trưởng mạnh, lên tới 11% trong 5 tháng đầu năm 2025. Đây là kết quả của sự phục hồi rõ rệt từ thị trường bất động sản và hoạt động đầu tư công, bất chấp bối cảnh nhu cầu thép toàn cầu suy yếu.
Báo cáo ngành của SSI Research nhận định thị trường trong nước ngày càng đóng vai trò trung tâm, khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở cả thị trường quốc tế lẫn nội địa. Trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã ban hành hai biện pháp chống bán phá giá sơ bộ: áp thuế với HRC từ Trung Quốc (tháng 3/2025) và với tôn mạ từ Trung Quốc, Hàn Quốc (tháng 4/2025). Những động thái này đã tạo lợi thế rõ rệt cho các nhà sản xuất trong nước như Hòa Phát (HPG) và Formosa ở mảng HRC, hay Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) và GDA ở mảng tôn mạ.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép Việt Nam đối mặt với áp lực lớn khi các nước như Mỹ và châu Âu siết chặt các biện pháp phòng vệ thương mại. Mỹ nâng thuế thép nhập khẩu từ 25% lên 50% kể từ tháng 6/2025, trong khi EU áp thuế và hạn ngạch đối với HRC, CRC và các loại thép khác. Hệ quả là xuất khẩu thép của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm giảm tới 30% so với cùng kỳ, trong đó HRC giảm 62,9%, tôn mạ giảm 38,6% và thép cây giảm 7,4%. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp trong nước đang dịch chuyển chiến lược, tập trung mạnh vào thị trường nội địa.
Chính phủ cũng đang thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia cung cấp vật liệu cho các dự án hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết 68. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thép nâng cấp sản xuất, hướng đến các sản phẩm kỹ thuật cao hơn trong chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp dẫn đầu như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim tiếp tục phát triển ổn định nhờ định hướng bám sát thị trường trong nước.
Đáng chú ý, Hòa Phát hiện đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất thép hình chất lượng cao, phục vụ trực tiếp cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án này có tổng vốn đầu tư ước tính lên tới 67 tỷ USD. Nhà máy dự kiến hoàn thành vào năm 2027 và sẽ giúp Hòa Phát cung cấp các sản phẩm thép chuyên dụng phục vụ cho các công trình hạ tầng phức tạp. Hòa Phát vẫn kiên định chiến lược giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%, tập trung sâu vào thị trường nội địa.
Báo cáo tài chính quý 2/2025 của Hòa Phát cho thấy sức bật rõ ràng: sản lượng thép thô đạt 2,5 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng sản lượng bán hàng các dòng sản phẩm như HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 2,6 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Riêng HRC đạt hơn 1,1 triệu tấn trong quý đây là lần đầu tiên vượt ngưỡng này, tăng 18% so với quý 1. Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của Hòa Phát đạt 5,1 triệu tấn, tăng 17%; tổng sản lượng bán hàng đạt 5 triệu tấn, tăng 23%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen và Nam Kim vẫn đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn do thị trường nội địa đang dần bão hòa, và chi phí đầu vào gia tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Cả Nam Kim và Tôn Đông Á đang có kế hoạch mở rộng công suất thêm 1,5 triệu tấn mỗi năm, nâng tổng công suất ngành tôn mạ lên 8,7 triệu tấn, tăng 20%. Tuy nhiên, với sản lượng tiêu thụ trong nước năm 2024 chỉ đạt khoảng 8 triệu tấn, nguy cơ dư cung đang hiện hữu, tạo áp lực lớn lên giá bán và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong ngành.
Ngày 04/07/2025, Việt Nam chính thức công bố thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, áp dụng trong thời hạn tối đa 5 năm. Biện pháp tương tự đối với tôn mạ cũng đang được hoàn tất, dự kiến triển khai trong nửa cuối năm nay. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố hàng rào bảo vệ cho ngành Thép nội địa, cải thiện biên lợi nhuận và giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần ngay trong nước.
Với loạt yếu tố hỗ trợ từ chính sách, đầu tư công và dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, SSI Research dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp thép đầu ngành sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2025. Giá cổ phiếu HPG, HSG, NKG nhiều khả năng tiếp tục xu hướng tăng, phản ánh kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan và tiềm năng tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Cem.Info