» Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới vừa chính thức ban hành tiêu chuẩn năng lượng tái tạo bắt buộc (Renewable Portfolio Standards - RPS) đối với 3 ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn là xi măng, thép và polysilicon. Đây là lần đầu tiên các ngành công nghiệp nặng tại Trung Quốc phải tuân thủ các tỷ lệ tối thiểu về tiêu thụ điện năng từ nguồn tái tạo, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu của nước này, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.
Ngành Xi măng đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ khi Trung Quốc lần đầu tiên áp dụng chuẩn bắt buộc về tiêu thụ năng lượng tái tạo. Quy định tiêu chuẩn năng lượng tái tạo bắt buộc mới không chỉ đặt ra yêu cầu sử dụng tối thiểu 10% điện xanh, mà còn báo hiệu sự thay đổi sâu rộng trong cách các doanh nghiệp vận hành và đáp ứng tiêu chuẩn phát thải. Đây là cơ hội để các nhà sản xuất xi măng tái cấu trúc năng lượng, đồng thời là thách thức cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Động thái này không chỉ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong nước mà còn được xem là bước chuẩn bị chiến lược của Trung Quốc trước các rào cản thương mại xanh quốc tế.
RPS trở thành quy định bắt buộc với ngành Xi măng từ 2026
Theo thông báo từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Cục Năng lượng Quốc gia (NEA) các doanh nghiệp xi măng tại Trung Quốc sẽ bắt buộc phải sử dụng tối thiểu 10% điện năng tiêu thụ từ các nguồn tái tạo kể từ ngày 01/01/2026. Đây là một phần trong hệ thống tiêu chuẩn danh mục năng lượng tái tạo mới, trước đây chỉ áp dụng cho ngành Nhôm điện phân và các đơn vị giao dịch điện năng, nay đã được mở rộng sang các ngành công nghiệp nặng tiêu thụ nhiều điện và phát thải cao.
Các nguồn năng lượng tái tạo được tính bao gồm: nguồn thủy điện, nguồn không thủy điện (chủ yếu là gió và mặt trời). Ngoài ngành Xi măng, các ngành Thép và Polysilicon cũng có ngưỡng bắt buộc:
- Ngành Thép: tối thiểu 15%
- Ngành Polysilicon: cao nhất, tối thiểu 20% (do tính chất “xanh” của chuỗi cung ứng tấm pin mặt trời)
Ngoài 3 ngành trên, các trung tâm dữ liệu mới xây dựng tại các "hub quốc gia" bắt buộc dùng ít nhất 80% điện tái tạo.
Để tuân thủ quy định, các doanh nghiệp có thể mua trực tiếp điện tái tạo trực tiếp từ các đơn vị phát điện hoặc sử dụng cơ chế chứng chỉ xanh (Green Certificate) là một hình thức giao dịch cho phép bù đắp lượng điện tiêu thụ từ nguồn tái tạo thông qua chứng nhận phát sinh từ các dự án năng lượng sạch.
Mức áp dụng phân theo địa phương và tăng dần theo thời gian
RPS được thiết lập linh hoạt theo điều kiện năng lượng của từng địa phương, không áp dụng chung một mức toàn quốc, căn cứ vào tiềm năng năng lượng tái tạo tại chỗ. Ví dụ:
- Vân Nam: tỉnh có nguồn thủy điện lớn, đặt mức RPS tới 70% trong năm 2025
- Phúc Kiến: chỉ tiêu thấp hơn, 24,2%
- Nội Mông, Cam Túc, Thanh Hải: khu vực nhiều điện gió - mức RPS 30% cho nguồn không thủy điện
- Trùng Khánh: chỉ 10,8% do điều kiện địa hình
Ngoài ra, Trung Quốc cũng công bố mức tăng chỉ tiêu RPS qua từng năm, từ mức 38% toàn quốc trong năm 2025, tăng lên 39% vào năm 2026. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh thiết lập tiến độ tăng trưởng định kỳ cho RPS, cho thấy nỗ lực ổn định thị trường và tạo nền tảng dài hạn cho năng lượng sạch.
Việc áp đặt RPS cho các ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là xi măng được xem là bước đi chiến lược để giảm phát thải, “xanh hóa” sản xuất, đồng thời ứng phó với các quy định quốc tế như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang hoàn thiện hệ thống quản lý dấu chân carbon quốc gia, dự kiến đưa vào vận hành năm 2027, giúp minh bạch hóa toàn bộ chuỗi phát thải từ sản xuất.
Cem.Info