» Trước thực trạng thiếu hụt cát, nền đất yếu và yêu cầu phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước đã chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp cầu cạn với chi phí hợp lý. Phương án này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ, giảm tác động môi trường mà còn tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ xi măng trong nước có nguồn cung ổn định hơn so với cát tự nhiên đang ngày càng khan hiếm.
Việc thi công đường cao tốc bằng cầu cạn đang trở thành xu hướng được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lựa chọn nhờ tính hiệu quả kinh tế và khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên đặc thù như ở ĐBSCL. Với tiềm năng giảm chi phí, không phụ thuộc vào nguồn cát ngày càng cạn kiệt, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ xi măng và vật liệu bê tông trong nước, giải pháp cầu cạn đang được xem là chìa khóa giải quyết đồng thời nhiều bài toán về hạ tầng, môi trường và phát triển vùng.
Giải pháp cầu cạn đang được chủ động triển khai
Đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, các doanh nghiệp trong nước đã bước đầu nghiên cứu và thử nghiệm giải pháp cầu cạn với công nghệ tiên tiến, chi phí hợp lý. Điển hình là Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group) là đơn vị đã khảo sát công nghệ xây dựng cầu cạn cao tốc tại Đức, Trung Quốc, Indonesia và đưa vào thử nghiệm tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện (Hải Phòng) từ tháng 2 đến tháng 6/2024.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến đầu tiên ở khu vực phía Nam làm trên cầu cạn.
Đoạn cầu cạn thử nghiệm có chiều dài tầng 1 khoảng 550 m, tầng 2 khoảng 100 m, mặt cầu rộng hơn 10 m, được thi công chỉ trong 2 tháng. Kết cấu cầu sử dụng bản bê tông cường độ cao (PRC) trên nền đất yếu, có độ bền cao và chi phí xây dựng thấp hơn đáng kể so với phương pháp truyền thống. Theo kết quả thử tải, công trình đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và phù hợp để áp dụng đại trà.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Invest Global cho biết, giải pháp của Hòa Bình Group có suất đầu tư khoảng 12 - 15 triệu đồng/m², chỉ bằng 40 - 50% chi phí làm đường cao tốc bằng dầm super T. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, cầu cạn còn dễ thi công, sử dụng thiết bị nhỏ gọn, thân thiện với môi trường và phù hợp với các địa hình phức tạp, đặc biệt là ở khu vực miền Tây.
Tăng tiêu thụ xi măng, giảm áp lực cho nguồn cung cát
Thay vì sử dụng hàng chục triệu mét khối cát mỗi năm để đắp nền đường - nguồn vật liệu đang ngày càng khan hiếm, cầu cạn sử dụng chủ yếu bê tông và cọc PRC. Đây là giải pháp vừa tối ưu chi phí, vừa góp phần kích cầu tiêu thụ xi măng trong nước vốn đang đối mặt với áp lực dư cung và sụt giảm xuất khẩu.
Ông Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), Phó Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam nhận định, lượng cát đổ về ĐBSCL chỉ còn khoảng 2 - 4 triệu m³/năm, trong khi nhu cầu khai thác lên tới 35 - 55 triệu m³/năm. Đây là chênh lệch đáng báo động, cho thấy phương pháp thi công truyền thống đang không còn phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo ông Quốc, áp dụng cầu cạn không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn ngăn ngừa sụt lún, giảm phá vỡ dòng chảy phù sa, giữ gìn cân bằng sinh thái và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp bền vững tại khu vực này.
Phù hợp với khu vực ĐBSCL
Thực tế cho thấy cầu cạn đã từng được ứng dụng tại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và một số dự án khác, tuy nhiên chưa được khai thác hiệu quả do thiếu khung kỹ thuật và quy định chuẩn. Các doanh nghiệp kiến nghị cần sớm ban hành tiêu chuẩn thi công cầu cạn để dễ dàng nhân rộng mô hình này trên các tuyến giao thông trọng điểm.
Theo ông Nghĩa, cầu cạn không chỉ là giải pháp xây dựng, mà còn là phương án tổng hợp giúp đối phó với các thách thức của khu vực ĐBSCL do nền đất yếu, nước biển dâng, ngập mặn, thiếu vật liệu xây dựng và yêu cầu bảo vệ cảnh quan. Quan trọng hơn, cầu cạn giúp tiết kiệm quỹ đất, giảm thời gian thi công và không bị phụ thuộc tiến độ do thiếu nguồn cung cát là một bài học đắt giá từ nhiều dự án chậm tiến độ trong thời gian qua.
Ông Quốc cũng nhấn mạnh, không thể chỉ lấy chi phí làm tiêu chí duy nhất. Cần đánh giá toàn diện tác động của giải pháp hạ tầng đến môi trường tự nhiên, đời sống người dân và sự phát triển bền vững lâu dài.
Giải pháp cầu cạn với công nghệ mới và chi phí hợp lý đang mở ra hướng đi khả thi cho phát triển hạ tầng tại ĐBSCL. Không chỉ giúp giải quyết tình trạng thiếu cát xây dựng, phương án này còn tạo cơ hội thúc đẩy tiêu thụ xi măng trong quá trình hiện đại hóa giao thông, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cem.Info