» Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy tín hiệu phục hồi ban đầu trong ngành Xi măng, trong đó nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ ghi nhận cải thiện rõ rệt về lợi nhuận. Dù bức tranh toàn ngành vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt ở các đơn vị lớn, niềm tin vào giai đoạn phục hồi đang được củng cố nhờ triển vọng đầu tư công và thị trường nội địa ổn định trở lại.
Doanh thu của 15 doanh nghiệp xi măng niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quý I đạt 4.750 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Mức lỗ của các doanh nghiệp cũng thu hẹp đáng kể, từ 207,6 tỷ đồng xuống còn 126,9 tỷ đồng. Các doanh nghiệp xi măng có quy mô nhỏ thể hiện sự thích nghi tốt hơn với biến động thị trường. Cụ thể, Xi măng La Hiên - VVMI (CLH) báo lãi hơn 2 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ 2024, nhờ sức tiêu thụ cải thiện. Xi măng Yên Bình (VCX) ghi nhận lợi nhuận gần 6 tỷ đồng, tăng 40% nhờ quản lý chi phí hiệu quả. Xi măng VICEM Hoàng Mai (HOM) có lãi nhẹ hơn 500 triệu đồng sau hai quý liên tiếp thua lỗ, trong bối cảnh thị trường khu vực miền Trung khởi sắc và chi phí nguyên vật liệu hạ nhiệt.
Ngược lại, các doanh nghiệp lớn vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ. Xi măng Bỉm Sơn (BCC) lỗ gần 60 tỷ đồng, tăng so với khoản lỗ 49 tỷ đồng cùng kỳ. Xi măng VICEM Bút Sơn (BTS) tiếp tục ghi nhận quý lỗ thứ 10 liên tiếp, ở mức gần 29 tỷ đồng. Xi măng VICEM Hà Tiên (HT1) lỗ hơn 9 tỷ đồng, tuy nhiên đã giảm đáng kể so với mức lỗ 25 tỷ đồng trong quý I/2024. Xi măng Sài Sơn (SCJ) chuyển từ lãi 300 triệu đồng sang lỗ 3 tỷ đồng do chiến lược giảm giá để gia tăng thị phần khiến biên lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Dù kết quả quý đầu năm chưa thật sự khả quan, các doanh nghiệp vẫn đặt kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ trong những quý tới. VICEM Hà Tiên đề ra mục tiêu doanh thu năm 2025 hơn 7.162 tỷ đồng, tăng 4% so với 2024 và lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. Quý II được đánh giá là giai đoạn cao điểm tiêu thụ, với mục tiêu lợi nhuận riêng quý này đạt 123 tỷ đồng. Xi măng Bỉm Sơn kỳ vọng có lãi trước thuế 2,4 tỷ đồng trong khi VICEM Bút Sơn đặt mục tiêu chuyển từ lỗ 202 tỷ đồng trong năm 2024 sang lãi 30 tỷ đồng năm nay. VICEM Hoàng cũng đặt kế hoạch có lãi 15 tỷ đồng, sau khi lỗ gần 70 tỷ đồng năm trước.
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2025 dự kiến đạt 95 - 100 triệu tấn, tăng 2 - 3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa dự kiến chiếm từ 60 - 65 triệu tấn, phần còn lại là xuất khẩu. TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, đầu tư công và các dự án hạ tầng trọng điểm đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Xi măng phục hồi, dự báo xu hướng tăng trưởng sẽ rõ rệt hơn trong nửa cuối năm và ngành vẫn còn dư địa phát triển đến năm 2031.
Tuy nhiên, các rủi ro bên ngoài vẫn hiện hữu, đại diện VICEM Hà Tiên cảnh báo về khả năng cạnh tranh gia tăng khi nguồn cung từ Trung Quốc dịch chuyển mạnh sang Đông Nam Á do biến động thuế quan từ thị trường Mỹ. Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa ổn định có thể ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất.
Tổng thể, ngành Xi măng đang chuyển mình tích cực trong bối cảnh còn nhiều thách thức. Các doanh nghiệp xi măng đã và đang cơ cấu lại hoạt động, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tối ưu hóa chi phí và chủ động nắm bắt cơ hội từ các chính sách đầu tư công. Giai đoạn nửa cuối năm 2025 được kỳ vọng là thời điểm tăng tốc thực sự cho toàn ngành.
ximang.vn (TH)