» Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, VICEM Hà Tiên đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 184 tỷ đồng, gấp gần ba lần so với năm 2024. Kế hoạch được đặt ra trong bối cảnh quý 1/2025 doanh nghiệp ghi nhận lỗ hơn 9 tỷ đồng, cho thấy sự quyết đoán và kỳ vọng lớn của ban lãnh đạo vào đà phục hồi trong các quý tiếp theo.
• VICEM Hà Tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 đặt mục tiêu lợi nhuận gấp 3 lần
Lãnh đạo VICEM Hà Tiên cho rằng kết quả kinh doanh quý 1 thường thấp do đặc thù mùa vụ, trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dù vậy, mức lỗ năm nay đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 3 đã ghi nhận lợi nhuận 51 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ xi măng quý I của VICEM Hà Tiên đạt trên 19% kế hoạch năm, đặt nền móng cho kỳ vọng bứt phá trong mùa xây dựng cao điểm quý II, với mục tiêu lợi nhuận riêng quý này lên tới 123 tỷ đồng.
Bối cảnh thị trường xi măng Việt Nam năm 2025 cũng được nhận định thuận lợi hơn. Việc đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, sân bay và nhà ở xã hội là những động lực lớn thúc đẩy nhu cầu xi măng. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh nội địa vẫn hiện hữu khi nguồn cung toàn ngành vẫn vượt cầu và xi măng từ Trung Quốc chịu thuế quan hạn chế tại Mỹ nên có xu hướng dịch chuyển sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trước những rủi ro này, VICEM Hà Tiên chọn chiến lược tập trung củng cố thị trường nội địa, nơi doanh nghiệp có lợi thế về mạng lưới phân phối và thương hiệu lâu năm. Xuất khẩu chỉ được xem là giải pháp linh hoạt nhằm cân đối cung cầu khi cần thiết, không phải định hướng trọng tâm. Ban lãnh đạo VICEM Hà Tiên nhấn mạnh việc hoạch định kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã được xây dựng dựa trên rà soát kỹ lưỡng năng lực nội tại và phân tích thận trọng xu hướng thị trường.
Song song với việc gia tăng sản lượng tiêu thụ, VICEM Hà Tiên cũng triển khai mạnh các biện pháp tiết giảm chi phí và tối ưu vận hành. Công ty đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, khai thác năng lượng mặt trời áp mái và đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu thay thế (đốt rác thải công nghiệp thay than đá). Theo tính toán, riêng tại nhà máy Bình Phước, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế đạt 40%, giúp tiết kiệm chi phí từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn xi măng. Mức tiết kiệm chi phí này, nếu duy trì ổn định, sẽ tạo ra biên lợi nhuận tốt hơn trong bối cảnh giá bán xi măng chịu áp lực cạnh tranh.
Một điểm nhấn đáng chú ý là VICEM Hà Tiên đang tích cực thực hiện lộ trình giảm phát thải CO₂. Mức phát thải hiện tại của VICEM Hà Tiên thuộc nhóm thấp trong ngành Xi măng Việt Nam, với chỉ số dưới 600 kg CO₂/tấn xi măng. Hiện, doanh nghiệp cũng đã triển khai kế hoạch thu hồi khí CO₂ tại các nhà máy chủ lực, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và mục tiêu tăng trưởng xanh mà Chính phủ đặt ra.
Bên cạnh đó, VICEM Hà Tiên cũng thông qua việc bổ sung các ngành nghề kinh doanh mới như sản xuất điện, khí công nghiệp và thu phí giao thông, nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc vào lĩnh vực xi măng vốn đang dần bão hòa. Việc định hướng phát triển đa ngành cho thấy tầm nhìn dài hạn của ban lãnh đạo trong việc nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động ngành.
Về chính sách cổ tức, VICEM Hà Tiên đặt mục tiêu chi trả tối thiểu 3% cho năm 2025, cao gấp ba lần mức 1% của năm trước, phản ánh sự kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan hơn. Dù còn nhiều thách thức phía trước, cách tiếp cận chủ động, kiểm soát chặt chi phí, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và chiến lược chuyển đổi xanh đang cho thấy VICEM Hà Tiên không chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tham vọng mà còn có nền tảng thực tiễn để hiện thực hóa.
ximang.vn (TH)