Nhu cầu sử dụng xi măng trên thị trường nội địa gần như đứng yên, thậm chí có thời điểm đi xuống. Hậu quả không tránh khỏi, như là phản ứng dây chuyền, nhiều nhà máy sản xuất xi măng buộc phải cắt giảm công suất, cá biệt có trường hợp phải ngừng hoạt động hoặc nhượng bán cho đối tác khác để có tiền trả nợ ngân hàng. Thị trường trong nước bế tắc, khó khăn ấy đã " ló” ra cái khôn bằng giải pháp xuất khẩu xi măng ra nước ngoài. Campuchia, Lào, Singapore, Indonesia… là những thị trường chủ lực nhập khẩu xi măng có xuất xứ từ Việt Nam. Các năm trước có sử dụng xi măng Việt Nam nhưng chưa bao giờ những nước nói trên nhập mặt hàng này ở mức cao như từ đầu 2013 đến nay. Đến hết quý 2/2013, Việt Nam xuất khẩu xi măng đạt hơn 5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay và tăng gần 70% so cùng kì 2012. Với chiều hướng đó, theo nhận định của ngành chuyên trách, xuất khẩu xi măng trong năm 2013 có khả năng đạt hơn 10 triệu tấn. Nếu dự ước này trở thành hiện thực, năm 2013 trở thành đỉnh điểm xuất khẩu xi măng từ trước đến nay. Mặt khác, từ kết quả thực hiện của 2013, ngành sản xuất xi măng sẽ tạo ra "sân chơi” rộng lớn hơn cho các năm tiếp theo. Tình trạng ế thừa xi măng nhờ đó được hạ nhiệt, thị trường nước ngoài sẽ "gánh hộ” một phần đáng kể cho thị trường nội địa.
Góp phần chống ế, giảm bớt tồn kho nhờ xuất khẩu nhưng sản xuất xi măng Việt Nam có hiệu suất đầu tư cao, giá thành lớn nhưng giá bán lại rẻ. Đó là hiện trạng đáng buồn của ngành sản xuất xi măng Việt Nam khi so sánh với các đối tác trong khu vực cũng như trên thế giới nói chung.
Không đẩy mạnh xuất khẩu thì lượng xi măng tồn kho càng thêm chồng chất. Tăng cường xuất khẩu xi măng số lượng lớn, với giá bán thấp hơn mức bình quân của thế giới, mức thua thiệt phải gánh chịu không hề nhỏ. Hiện trạng trái ngược đó trở thành "căn bệnh” khó chữa của ngành xi măng.
Theo ĐĐK *