» Dù đã có chính sách hỗ trợ và chương trình hành động cụ thể, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là sự thiếu vắng một bộ tiêu chí thống nhất để xác định sản phẩm xanh trong ngành, khiến các doanh nghiệp lúng túng trong quá trình chuyển đổi.
Net Zero đang trở thành áp lực bắt buộc với nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành Vật liệu xây dựng là lĩnh vực tiêu thụ nhiều tài nguyên và phát thải lớn. Khi các thị trường xuất khẩu ngày càng siết chặt yêu cầu về carbon, việc chuyển đổi sang sản phẩm xanh không chỉ là xu hướng mà là điều kiện để doanh nghiệp vật liệu xây dựng tồn tại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, khi Việt Nam chưa có một bộ tiêu chí chính thức và đủ tính pháp lý để xác định đâu là “sản phẩm vật liệu xây dựng xanh”, thì doanh nghiệp vẫn phải dò đường trong mơ hồ, tự tuyên bố xanh nhưng không có cơ sở chung để kiểm chứng hay đối chiếu.
PGS.TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tại hội thảo chuyên ngành tổ chức ở TP.HCM cuối tháng 6 vừa qua, đã chỉ ra một thực tế: ngành Vật liệu xây dựng hiện giữ vai trò chiến lược với đóng góp khoảng 6% GDP, doanh thu hằng năm đạt khoảng 24 tỷ USD và năng lực sản xuất thuộc top đầu thế giới. Việt Nam hiện sản xuất 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m² gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh và 330 triệu m² kính xây dựng mỗi năm.
Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ quy mô sản xuất lớn, chất lượng ngày càng cao, nhưng mức tiêu hao năng lượng, nguyên liệu và phát thải khí nhà kính cũng rất lớn. Trong khi đó, yêu cầu môi trường ngày càng khắt khe, còn hệ thống quy định, tiêu chuẩn về vật liệu xanh lại chưa hoàn thiện. Theo ông Thành, chính sự thiếu thống nhất trong định nghĩa sản phẩm vật liệu xây dựng xanh đang gây khó cho doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược giảm phát thải và chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã chủ động triển khai các giải pháp công nghệ nhằm giảm phát thải. SCG Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu trong ngành Xi măng, đã đặt mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải carbon thông qua giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển các sản phẩm low carbon và ứng dụng công nghệ thu hồi nhiệt năng trong sản xuất. Tuy nhiên, ông Trương Bỉnh Hồ, Phó Giám đốc Quan hệ khách hàng và Truyền thông Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam, cho biết dù đã đạt kết quả cụ thể, việc thiếu bộ tiêu chí rõ ràng khiến doanh nghiệp không thể xác định liệu sản phẩm của mình có thực sự đạt chuẩn xanh hay không.
Thêm vào đó, việc quản lý, cấp phép chứng nhận vật liệu xây dựng xanh hiện vẫn bị chia nhỏ giữa nhiều Bộ, ngành khác nhau, mỗi nơi một quy định. Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu đầu mối thống nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng và triển khai minh bạch. Nếu chỉ cần một cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, với bộ tiêu chí chung, thì việc định hướng và thực thi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, ông Hồ đề xuất.
Không chỉ riêng ngành Xi măng, các doanh nghiệp sản xuất sơn là một phân ngành quan trọng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng đang gặp tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa dầu công nghệ cao HI-PEC, cho biết hầu hết sơn hiện nay được sản xuất từ dầu mỏ, nên khi sử dụng hoặc đốt cháy đều sinh ra CO₂. Do đó, nếu muốn theo đuổi mục tiêu Net Zero, việc nghiên cứu, phát triển các loại sơn không phát thải là bắt buộc.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là không có khung tiêu chí nào để xác định đâu là “sơn sinh thái”, đâu là “sơn xanh”. Chúng tôi đã phát triển các dòng sơn như sơn vôi, sơn dẫn nhiệt không phát thải, nhưng khi đưa ra thị trường thì không biết căn cứ theo tiêu chuẩn nào để chứng minh tính xanh của sản phẩm. Nếu không có tiêu chí rõ ràng, mạnh ai nấy làm, tự tuyên bố xanh nhưng thực chất có thể không đạt yêu cầu, ông Hải chia sẻ. Ông đồng thời kiến nghị Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn thống nhất phù hợp với thông lệ quốc tế như ISO, để các doanh nghiệp có thể áp dụng chung, từ đó tránh tình trạng chồng chéo, mập mờ trong nhận diện sản phẩm xanh.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ngành Vật liệu xây dựng hiện là một trong những nhóm phát thải lớn nhất trong cơ cấu tổng phát thải quốc gia, đặc biệt là các phân ngành xi măng và gạch đất sét nung. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã có những chính sách thiết thực như giảm thuế clinker từ 10% xuống 5%, đồng thời xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Thành, các chính sách tài chính như thuế hay tín dụng xanh mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là một hệ thống tiêu chí thống nhất, minh bạch, có thể đo lường và kiểm chứng để doanh nghiệp biết rõ cần làm gì, kiểm soát ra sao, và kiểm định như thế nào để đạt chuẩn xanh.
Các chuyên gia trong ngành đều thống nhất quan điểm, chuyển đổi Net Zero không chỉ là gánh nặng, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu - nơi tiêu chí về carbon ngày càng trở nên khắt khe. Tuy nhiên, để biến áp lực thành động lực, rất cần sự đồng hành rõ ràng và nhất quán từ phía chính sách. Không thể nói về Net Zero mà thiếu công cụ để thực thi, bộ tiêu chí sản phẩm xanh không còn là điều nên có, mà là điều bắt buộc nếu doanh nghiệp vật liệu xây dựng muốn hội nhập.
Cem.Info