Nỗ lực vượt khó
Phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược của nước ta. Chính phủ đã dành nguồn lực lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL với quyết tâm thay đổi hệ thống giao thông ĐBSCL trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên của các dự án cao tốc trong khu vực là nguyên vật liệu đắp nền đường và công tác giải phóng mặt bằng.
Tại Hậu Giang, Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1 do Sở Giao thông Vận tải tỉnh làm chủ đầu tư, đi qua địa bàn Hậu Giang với chiều dài 37km, có 1.148 hộ dân bị ảnh hưởng và đã kiểm đếm xong 100%, với tổng diện tích đất phải thu hồi 260,34ha. Đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường cho 1.024 hộ với số tiền là 690 tỉ đồng. Tuyến trục ngang này tỉnh đã giải phóng mặt bằng và bàn giao 91%. Riêng Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang) do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư và Hậu Giang chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đến thời điểm này đã bàn giao mặt bằng 99,5%...
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đang được triển khai.
Đánh giá về tình hình triển khai, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin, hiện tại, khó nhất là nguồn cát. Nguồn cát chỗ An Giang cũng đang họp và bàn, Hậu Giang đã đăng ký với An Giang để có buổi làm việc và đang đợi An Giang sắp xếp để thống nhất cách giao cho Hậu Giang khai thác như thế nào. Còn gói thầu thứ 2 đang lập thủ tục, hiện tại đã được Bộ Giao thông Vận tải gửi về cho tỉnh hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt. Cố gắng xong trong tháng 8 để tháng 9 khởi công.
Đại tá Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn Nam, Binh đoàn 12, cho biết trước mắt với khối lượng cát như hiện tại đến tháng 9 mới có vật liệu cát từ mỏ Đồng Tháp, chắc chắn sẽ bị chậm công tác thi công nền đường, chậm công tác gia tải… Đại tá Trần Hải Bắc thông tin: Các vướng mắc của cao tốc hiện nay tập trung chính 2 vấn đề, đó là vật liệu cát. An Giang cấp 1,1 triệu m³, nhưng hiện tại không lấy được khối nào. 4 mỏ đều ở trạng thái đóng. 1 mỏ đang vướng thanh tra. Thứ hai, Đồng Tháp có cấp 371.000m³ cát, nhưng cả công trường lấy từ tháng 5 tới giờ đã xong. Đến thời điểm này gần như không có cát thi công cả tuyến Cần Thơ đi Cà Mau.
Hiện nay, đơn vị liên kết chặt chẽ với Đồng Tháp. Dự kiến, theo báo cáo của tỉnh đến tháng 9 sẽ có cát. Khối lượng cát, tức là giao cái mỏ cho đơn vị thi công để khai thác chứ không phải mình mua của mỏ, ở đây giao mỏ luôn cho nhà thầu. Hiện nay, với điều kiện khó khăn về nguồn cát thì cơ bản nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu và cũng muốn đẩy nhanh tiến độ cầu để bù đắp vào kế hoạch giải ngân năm 2023, đại tá Trần Hải Bắc thông tin.
Tại An Giang, ngoài đáp ứng cho các công trình trên địa bàn, nguồn cát của địa phương này còn cung cấp cho các tuyến cao tốc trọng điểm của vùng. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Đối với Dự án thành phần 1, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng qua tỉnh An Giang (giai đoạn 1), tỉnh đã giải phóng mặt bằng đạt 92%, phấn đấu đạt 100% vào cuối năm 2023 để giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu; tiến độ thi công đạt kế hoạch. An Giang đảm bảo cung ứng đủ nguồn cát cho dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh; đã xây dựng phương án, bố trí 2 khu vực khai thác cát sông, sẽ bàn giao để thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang khai thác, phục vụ tuyến cao tốc đi qua 2 địa phương này.
Cát cung cấp cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh An Giang hiện nay qua sự tham gia của các mỏ cát này cũng cần thu hồi. Các mỏ cát này trong trữ lượng đang dự kiến bố trí 1,1 triệu m³. Cái khó của An Giang hiện nay là bằng cách nào bố trí 1,1 triệu m³ theo cam kết và 2,2 triệu m³ còn lại để đủ 3,3 triệu m³ cho tuyến Cần Thơ - Cà Mau. An Giang sẽ tổ chức họp, đánh giá lại tất cả các mỏ cát theo tinh thần thực hiện quyết liệt. Trước mắt là 1,1 triệu m³ theo cam kết, và 2,2 triệu m³ tiếp tục đánh giá, tính toán phần cát này, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết.
Vướng mắc ở đâu, gỡ ở đó
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai, đến nay công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng tiến độ như Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đã bàn giao được 89%; công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế đang tiếp tục triển khai nhưng còn chậm.
Về vật liệu xây dựng thông thường, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, tuy nhiên việc triển khai tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm, trong tháng 7-2023 mới hoàn thiện thủ tục xác nhận Bản đăng ký khối lượng khai thác được thêm 14 mỏ, còn 27 mỏ đã trình các cơ quan nhưng chưa được chấp thuận. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang và thành phố Cần Thơ chưa triển khai các thủ tục để khai thác mỏ tại An Giang…
Về nguyên vật liệu hiện đang khó khăn tại các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong tuần tới chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Các địa phương phải xác định việc đầu tư hạ tầng tại địa phương là đầu tư cho phát triển, tạo không gian phát triển mới, khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới, do đó phải cập nhật quy hoạch mới và thành lập tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan trong thẩm quyền, hỗ trợ tích cực cho chủ đầu tư, nhà thầu…
ximang.vn (TH/ Báo Hậu Giang)