» Ngày 02/07/2025, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 193/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản. Nghị định này tập trung làm rõ điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (nhóm IV), góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và thúc đẩy khai thác tài nguyên bền vững.
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng là một trong những hoạt động có vai trò then chốt trong phát triển hạ tầng và đô thị hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc cấp phép chưa thống nhất, thủ tục còn kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và môi trường. Với Nghị định 193/2025/NĐ-CP, Chính phủ đã đặt nền móng cho một cơ chế cấp phép rõ ràng, minh bạch và phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững ngành Khai thác khoáng sản. Dưới đây là những điểm đáng chú ý về nội dung, điều kiện và trình tự cấp phép khai thác khoáng sản nhóm IV.
Quy định cụ thể về điều kiện và thời hạn cấp phép khai thác khoáng sản nhóm IV
• Nghị định nêu rõ thời hạn cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như sau:
- Đối với tổ chức, cá nhân thuộc khoản 1 Điều 72 Luật Địa chất và Khoáng sản, thời hạn tối đa của giấy phép là 10 năm, bao gồm thời gian xây dựng cơ bản và thời gian khai thác theo dự án đầu tư. Tổng thời gian gia hạn không được vượt quá 5 năm.
- Với các tổ chức thuộc khoản 2 Điều 72, thời hạn giấy phép phụ thuộc vào tiến độ thi công của dự án sử dụng khoáng sản nhóm IV và được ghi rõ trong giấy phép. Tổng thời gian cấp và gia hạn cũng không vượt quá thời hạn thi công công trình theo quy định pháp luật.
Chính phủ ban hành Nghị định số 193/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và khoáng sản.
• Để được cấp phép, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện:
- Có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu thuộc diện quy định của Luật Đầu tư);
- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc giấy phép môi trường (nếu thuộc diện quy định của Luật Bảo vệ môi trường);
- Khu vực xin cấp phép phải có kết quả khảo sát hoặc thăm dò được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận hoặc phê duyệt;
- Hoạt động khai thác phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật Địa chất và Khoáng sản.
Đối với tổ chức được quy định tại khoản 2 Điều 72, yêu cầu về khu vực có kết quả khảo sát, thăm dò và phù hợp nguyên tắc khai thác cũng là điều kiện bắt buộc để được cấp phép.
Thủ tục cấp phép được rút ngắn, minh bạch hóa trách nhiệm
Nghị định quy định trình tự cấp phép theo hướng rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan:
- Trong vòng 15 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định phải kiểm tra thực địa, rà soát hồ sơ và lấy ý kiến các đơn vị liên quan (nếu cần).
- Các cơ quan nhận được đề nghị lấy ý kiến phải phản hồi trong 5 ngày làm việc. Quá thời hạn này, nếu không có ý kiến được coi là đồng ý và phải chịu trách nhiệm về nội dung liên quan.
- Sau đó, trong 3 ngày làm việc, cơ quan thẩm định hoàn tất việc thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có tối đa 3 ngày làm việc để quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy phép, nếu từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Trong vòng 2 ngày làm việc sau khi có quyết định cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo kết quả và hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính.
- Khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, giấy phép được bàn giao trong 2 ngày làm việc tiếp theo.
Nghị định 193/2025/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ trong quản lý, nâng cao hiệu lực thực thi Luật Địa chất và Khoáng sản, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, góp phần khai thác khoáng sản hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
» Chi tiết Nghị định số 193/2025/NĐ-CP, xem TẠI ĐÂY.
Cem.Info