» Ngành Xi măng Indonesia đang đối mặt với bài toán dư thừa công suất nghiêm trọng, khi sản lượng sản xuất vượt xa nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ Indonesia kêu gọi các doanh nghiệp xi măng tăng cường xuất khẩu và đầu tư phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường như một giải pháp kép để duy trì hiệu quả sản xuất và hướng đến phát triển bền vững.
Với tình trạng dư thừa công suất kéo dài, ngành Xi măng Indonesia buộc phải tái định hướng chiến lược. Chính phủ nước này đang thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu xi măng ra thị trường quốc tế, đồng thời tập trung vào sản phẩm xanh để thích nghi với xu hướng toàn cầu. Đây được xem là bước đi then chốt nhằm cân bằng cung cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường nội địa đã bão hòa.
Với tổng công suất thiết kế lên đến 121,6 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu tiêu thụ xi măng tại Indonesia chỉ khoảng 70 triệu tấn, ngành Xi măng quốc gia này đang dư thừa gần 50 triệu tấn mỗi năm. Tình trạng dư thừa khiến khiến nhiều nhà máy vận hành dưới công suất, làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận và gây áp lực cạnh tranh lên toàn ngành.
Thông tin được ông Taufiek Bawazier, Tổng Cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Hóa chất, Dược phẩm và Dệt may, Bộ Công nghiệp Indonesia chia sẻ trong chuyến thăm nhà máy xi măng Solusi Bangun Indonesia (SBI) tại Bogor, Tây Java. Ông cảnh báo, nếu không có biện pháp điều tiết phù hợp, sự dư thừa sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh và làm mất cân bằng thị trường nội địa.
Để kiểm soát nguồn cung, Chính phủ Indonesia đang xem xét áp dụng lệnh tạm ngưng cấp phép đầu tư mới đối với ngành Xi măng tại các khu vực thị trường đã bão hòa. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng được coi là giải pháp thiết thực nhằm khơi thông đầu ra. Một số nhà sản xuất xi măng lớn như Tập đoàn Semen Indonesia (SIG) đã chủ động mở rộng thị trường sang Australia, châu Đại Dương và Hoa Kỳ thông qua các liên kết quốc tế.
Ngoài định hướng xuất khẩu, Indonesia cũng đặt mục tiêu chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh hóa. Việc nhiều quốc gia đang áp dụng thuế carbon và yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm bền vững khiến việc phát triển các dòng sản phẩm xi măng thân thiện với môi trường trở thành yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp muốn giữ vững thị phần xuất khẩu.
Chính phủ Indonesia cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần tăng tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu, thiết bị và dịch vụ sản xuất trong nước trong các sản phẩm xi măng. Việc này không chỉ giúp ngành này giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ và tăng sức cạnh tranh nội địa.
Ông Taufiek bày tỏ kỳ vọng rằng chuyến thăm nhà máy SBI lần này sẽ mang lại những đóng góp cụ thể giúp Bộ Công nghiệp Indonesia xây dựng chính sách phát triển công nghiệp có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước.
dịch từ ANTARA News