•
Cơ chế CBAM không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu xi măng của Việt Nam
PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong 5 năm gần đây,
ngành Xi măng là một trong những ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn, khoảng 62 - 70 triệu tấn CO
₂/năm. Hiện cả nước có 60 nhà máy
sản xuất xi măng và đều nhận thức rõ sẽ phải thực hiện hạn mức phát thải ở từng nhà máy xi măng từ năm 2026.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon EU đưa ra là vấn đề mà các doanh nghiệp xi măng cần quan tâm và sớm đưa ra giải pháp giảm phát thải trong quá trình sản xuất. Đây cũng là mục tiêu của các ngành sản xuất khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký cam kết trung hòa carbon, đưa phát thải ròng về 0 năm 2050, nhất là lĩnh vực xi măng ghi nhận nhiều phát thải carbon.
Theo đó, Chính phủ sẽ đưa ra hạn mức cho từng ngành, các doanh nghiệp tìm giải pháp đáp ứng yêu cầu trước hết ở trong nước để không phải nộp các phí phát thải dư thừa. Hướng tới hình thành thị trường carbon trong nước từ năm 2027, các doanh nghiệp làm tốt có thể bán phần hạn mức dư thừa cho các doanh nghiệp chưa làm được.
Nhận định về mức độ ảnh hưởng khi EU áp thuế carbon, ông Long cho biết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ngưỡng giới hạn carbon đưa ra. Hiện nay, trung bình các doanh nghiệp xi măng Việt Nam đang phát thải 700 kg CO
₂/tấn xi măng, nếu ngưỡng EU đưa ra tương đồng mức hiện tại của Việt Nam phát thải thì sẽ không bị áp thuế.
Dù không có Cơ chế CBAM, thì ngành Xi măng Việt Nam cũng đang có lộ trình giảm phát thải. Theo Chiến lược phát triển ngành Xây dựng mà Thủ tướng đã đề ra, ngành Xi măng phấn đấu giảm phát thải xuống 650 kg CO
₂/tấn xi măng vào năm 2030 và 550 kg CO
₂/tấn xi măng vào năm 2050. Hiện nay, Hiệp hội Xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên đã chủ động nghiên cứu các biện pháp
giảm phát thải CO
₂ đồng nghĩa với giảm tiêu hao năng lượng, mang lại tác động kép vừa giảm phát thải vừa giảm giá thành.
Các doanh nghiệp xi măng hiện đã chuyển dần sang dùng nguyên liệu thay thế như nguyên liệu sinh khối (biomass) hoặc rác thải công nghiệp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, giảm chi phí điện, đồng thời thu giữ và chôn lấp CO
₂ trong quá trình sản xuất clinker xi măng.
Thực tế, có khoảng hơn chục nhà máy xi măng đang sử dụng nhiên liệu từ rác thải, thay thế 30 - 45% cho nhiên liệu than. Ngoài ra cũng đã có giải pháp để giảm thiểu lượng clinker trong xi măng còn 5 - 10%, dự kiến sẽ giảm đáng kể phát thải. Khó khăn đi kèm khi doanh nghiệp muốn chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu thay thế sẽ cần đầu tư, cải tạo thêm và thay đổi quy trình sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp cần nhiều nguồn cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, bởi đây không chỉ là câu chuyện của nguyên nhà sản xuất mà còn đóng góp cho xã hội sạch hơn - an toàn hơn.
Một giải pháp khác đang được ngành Dầu khí đi đầu nhưng đã có doanh nghiệp xi măng thử nghiệm là CCUS, CCS - thu hồi và chôn lấp carbon sinh ra trong quá trình sản xuất bằng cách hóa lỏng và bơm xuống các giếng dầu đã đóng. Giải pháp này cũng mới được thí nghiệm ở EU và các nước tiên tiến vì chi phí lớn.
PGS.TS Lương Đức Long kiến nghị, Chính phủ có thể xem xét đưa ra ưu đãi về tài chính, có các biện pháp về thuế và chương trình quản lý khác khuyến khích doanh nghiệp tích cực chuyển đổi để được hưởng lợi. Ngoài ra, việc xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, hướng dẫn, định mức và đánh giá lượng phát thải khí nhà kính cũng rất quan trọng để các doanh nghiệp xi măng có căn cứ tính toán.