» Trong bối cảnh ngành Xi măng đối mặt với thách thức về môi trường và áp lực phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp xi măng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang chủ động chuyển đổi công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn xanh và triển khai các giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường. Không chỉ góp phần bảo vệ tài nguyên và khí hậu, những bước đi này còn thể hiện trách nhiệm xã hội và khẳng định vị thế của ngành Xi măng trong chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh.
Xi măng là một trong những vật liệu xây dựng thiết yếu, góp phần kiến tạo hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là ngành sản xuất tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng và phát thải lớn ra môi trường. Nhận thức rõ điều đó, các doanh nghiệp xi măng tại Quảng Ninh đang từng bước đổi mới, hướng tới mô hình sản xuất hiện đại, sạch và hiệu quả.
Tiêu biểu trong quá trình chuyển đổi này là Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, đơn vị đang dẫn đầu trong việc triển khai công nghệ xử lý rác thải tiên tiến. Với chương trình “Vracbank - Gửi rác, rút tiền”, Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh không chỉ thúc đẩy cộng đồng phân loại rác tại nguồn mà còn đưa rác tái chế vào quy trình sản xuất clinker thông qua công nghệ đồng xử lý. Sau gần 3 năm triển khai, chương trình đã thu gom hơn 500 tấn rác, góp phần giảm tải cho hệ thống xử lý rác địa phương và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
Tại nhà máy, lượng rác thu gom được đưa vào lò nung ở nhiệt độ hơn 1.400°C, đảm bảo phân hủy hoàn toàn mà không phát sinh tro xỉ hay khí độc hại. Quá trình này vừa thay thế một phần than truyền thống, vừa giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cũng không ngừng đầu tư nâng cấp dây chuyền theo tiêu chuẩn châu Âu. Theo ông Ninh Xuân Quảng, Phó Giám đốc nhà máy Xi măng Lam Thạch, công ty đã hợp tác với đối tác Na Uy để triển khai hệ thống lọc bụi túi thế hệ mới nhất, tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Hệ thống này giúp duy trì nồng độ bụi dưới 20mg/Nm³, đây là mức thấp đáng kể so với quy chuẩn cho phép và vẫn ổn định khi lò có sự cố kỹ thuật.
Song song với công nghệ, doanh nghiệp chú trọng đến sự minh bạch trong hoạt động sản xuất. Tổ giám sát môi trường gồm 15 đại diện người dân địa phương được thành lập để theo dõi và phản ánh hoạt động môi trường của nhà máy. Ngoài ra, hơn 12.000 cây xanh đã được trồng mới chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, hướng đến mô hình “công viên trong nhà máy”, “văn phòng sinh thái”.
Khuôn viên nhà máy Xi măng Lam Thạch luôn được duy trì xanh - sạch - đẹp.
Không chỉ có Xi măng Lam Thạch, các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đang đồng loạt đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng xanh và sạch. Hiện tỉnh Quảng Ninh có 7 nhà máy xi măng đang hoạt động, với tổng công suất trên 10 triệu tấn/năm. Hầu hết các nhà máy đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu khí thải, nước thải 24/24 về Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh để đảm bảo giám sát liên tục và minh bạch. Chính quyền địa phương cũng tích cực triển khai các chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, thúc đẩy vai trò giám sát của cộng đồng và tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Với những chuyển động tích cực từ cả doanh nghiệp và chính quyền, ngành Xi măng tại Quảng Ninh đang định hình một mô hình phát triển công nghiệp hiện đại, nơi sản xuất không tách rời trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Đây chính là hướng đi tất yếu để ngành công nghiệp trụ cột này phát triển vững chắc trong tương lai.
ximang.vn (TH/ Báo Quảng Ninh)