Hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp xi măng. Tuy nhiên, có một thực tế vẫn đang tồn tại là việc doanh nghiệp xi măng chưa chú trọng đến vận chuyển đường thủy, thậm chí một số nhà máy không có cảng xuất xi măng và chưa kết nối được với đường sắt. Do đó, khi Bộ Giao thông Vận tải ra quy định siết chặt việc quản lý tải trọng xe, việc tiêu thụ đương nhiên gặp khó khăn.
Điều cấp thiết hiện nay là ngoài việc chủ động điều tiết sản xuất, các doanh nghiệp xi măng cũng cần tính toán lại công tác vận chuyển nhằm san sẻ gánh nặng đối với đường bộ. Khó khăn ở đây là xi măng là một loại hàng hóa đặc thù, không để được lâu, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết... do vậy trong quá trình vận chuyển thường gây nhiều bụi ô nhiễm, cần được che chắn tốt.
Phó Chánh văn phòng Vicem Trần Đức Mạnh cho biết, hiện nay, nhiều đơn hàng vận chuyển xi măng của Vicem bên đường sắt chưa chủ động đáp ứng được vì nhiều lý do như: chậm chuyến, không có toa chuyên dụng, thiết bị làm hàng, bốc dỡ xi măng chưa đầy đủ... nên khả năng tăng cường vận chuyển qua hệ thống đường sắt chưa thể "một sớm một chiều" cải thiện được. Trong khi đó, thị trường của vận chuyển đường thủy thường không lớn, địa bàn mỏng.
Chính vì vậy, Tổng Công ty đang tập trung vừa nâng cao khả năng vận chuyển bằng đường thủy, đồng thời phối hợp với các đơn vị thành viên tính toán, rà soát các phương án vận chuyển đan xen hợp lý giữa các loại hình vận tải nhằm hạn chế tối đa chi phí vận chuyển, không làm tăng giá thành sản xuất, bảo đảm khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.
Vicem Hoàng Thạch là một trong những đơn vị kinh doanh ổn định tại thị trường miền Bắc, cũng chịu tác động không nhỏ từ chính sách siết tải trọng xe. Phó Giám đốc Xí nghiệp tiêu thụ Vicem Hoàng Thạch Nguyễn Hải Minh cho biết, trước đây, một ngày Công ty xuất khoảng 2.500 tấn sản phẩm, hiện nay chỉ còn khoảng 1.500 tấn, trong đó tỷ trọng vận chuyển bằng đường bộ đã giảm từ 38% xuống còn khoảng 25%.
Hiện nay Công ty chỉ bảo đảm được giá xi măng đầu nguồn từ nhà máy, còn giá cuối nguồn đã chênh lệch từ 80 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng/tấn xi măng tùy thuộc địa bàn tiêu thụ. Nếu giá tiếp tục tăng thì sẽ khó tiêu thụ được vì tại khu vực miền bắc là địa bàn cạnh tranh xi măng khốc liệt nhất cả nước.
Thực tế, Công ty đã để mất một số thị trường vận chuyển bằng đường bộ. Hơn nữa, các doanh nghiệp vận tải thường sử dụng phương tiện lớn để tiết kiệm chi phí, trước đây có thể chuyên trở khoảng 50 tấn, nay chỉ còn 17 tấn, nên lượng phương tiện đôi lúc không đáp ứng được nhu cầu, chứ chưa muốn nói là một số chủ phương tiện không muốn chạy vì không đủ bù chi phí nhân công, xăng xe...
Công ty đã có phương án bàn bạc với tất cả các doanh nghiệp vận tải để cùng rà soát, xem xét đưa ra những phương án phù hợp. Trước mắt, Công ty sẽ có chính sách hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ, mở thêm những bến vận tải đường thủy tại những nơi đường bộ không thuận tiện, đồng thời tính toán lại việc phối hợp vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ...
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hải Minh, Việc tăng giá bán tại thời điểm này là rất khó, vì vậy, việc siết tải trọng xe cần thực hiện nghiêm nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp xi măng, tránh trường hợp doanh nghiệp tuân thủ, trong khi đó, một số đối thủ khác chưa chắc đã tuân thủ.