» 6 tháng đầu năm 2025, bất động sản Việt Nam ghi nhận gần 5,17 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và chiếm 24% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Dòng vốn lớn quay trở lại thị trường địa ốc đang tạo ra những hiệu ứng lan tỏa tích cực, trong đó có ngành Vật liệu xây dựng, cụ thể là lĩnh vực xi măng vốn là mắt xích thiết yếu trong chuỗi phát triển dự án.
Theo báo cáo nhanh của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), bất động sản tiếp tục là lĩnh vực hút vốn FDI mạnh mẽ nhất chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức tăng trưởng hơn 100% này là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang củng cố vị thế vững chắc trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Sự phục hồi tích cực này của thị trường bất động sản đang mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho ngành Vật liệu xây dựng, khi nhu cầu về vật tư thi công được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Các chuyên gia đánh giá dòng vốn đổ mạnh vào bất động sản không chỉ là kết quả của môi trường pháp lý được cải thiện, mà còn là phản ứng tích cực trước hàng loạt dự án hạ tầng lớn đang triển khai trên cả nước. Các nút thắt pháp lý kéo dài nhiều năm đang dần được tháo gỡ nhờ các bộ luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và hệ thống nghị định hướng dẫn được ban hành đồng bộ.
Minh chứng rõ nét là những dự án quy mô lớn đã được khơi thông, tiêu biểu như Aqua City (Tập đoàn Novaland) vừa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 vào giữa tháng 6. Ngay sau đó, hơn 3.250 tỷ đồng đã được giải ngân và các ngân hàng cam kết rót thêm hơn 10.000 tỷ đồng để tiếp tục triển khai. Những chuyển biến như vậy không chỉ tác động đến chủ đầu tư, mà còn kéo theo nhu cầu lớn về nhân công, hạ tầng kỹ thuật và vật liệu xây dựng.
Bên cạnh pháp lý, làn sóng đầu tư được thúc đẩy bởi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến vành đai tại Hà Nội, TP.HCM. Những khu vực vùng ven là nơi có quỹ đất dồi dào và kết nối hạ tầng thuận tiện đang nổi lên như điểm đến mới của dòng vốn quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt dự án khu đô thị, khu công nghiệp, nhà ở cho chuyên gia và công nhân sẽ được kích hoạt, từ đó kéo theo nhu cầu xây dựng thực chất.
Đáng chú ý, xu hướng lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang thay đổi rõ rệt. Thay vì chú trọng chỉ vào vị trí hay giá bán, họ ưu tiên những dự án có pháp lý rõ ràng, triển khai nhanh và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG). Các sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường đang có nhiều cơ hội bứt phá. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy ngành Vật liệu xây dựng nếu bắt kịp xu hướng hoàn toàn có thể phục hồi và tăng trưởng cùng thị trường.
Với mức tăng vốn đầu tư vào bất động sản như hiện nay, thị trường xây dựng đang dần bước ra khỏi chu kỳ trầm lắng kéo dài từ năm 2022 - 2023. Dù chưa thể khẳng định sự bùng nổ ngay lập tức, nhưng sự hồi phục về niềm tin và dòng tiền đang tái khởi động chuỗi cung ứng xây dựng từ nhà thầu, kỹ thuật thi công đến vật liệu nền móng như thép, xi măng, bê tông, gạch...
Đồng thời, việc triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ tạo thêm lực đẩy về thể chế, giúp dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực xây dựng công nghiệp, hạ tầng logistics vốn đang có nhu cầu rất lớn nhờ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đang phát đi tín hiệu rõ ràng, sẵn sàng đồng hành lâu dài cùng nhà đầu tư, cải cách thể chế và cam kết giữ ổn định vĩ mô. Trong bối cảnh phân mảnh toàn cầu, đây là lợi thế cạnh tranh có thể tạo nên làn sóng phát triển mới không chỉ với bất động sản, mà với toàn bộ ngành Xây dựng - Vật liệu - Hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn 2025 - 2030.
Cem.Info