» Từ đầu năm 2025 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng chủ chốt như cát xây dựng, sắt thép, gạch xây... đã tăng vọt, gây áp lực lớn lên chi phí xây dựng. Theo các chuyên gia, đây có thể là tiền đề đẩy giá nhà ở lên cao trong thời gian tới.
Giá một số loại vật liệu xây dựng như cát xây dựng, sắt thép, gạch xây... liên tục leo thang, kéo theo chi phí xây dựng tăng mạnh. Khi chi phí đầu vào bị đội lên, các chủ đầu tư khó có thể giữ nguyên giá bán, khiến người dân càng thêm áp lực trong việc tiếp cận nhà ở phù hợp. Việc kiểm soát giá vật liệu và bình ổn chi phí xây dựng là yếu tố then chốt để giữ giá nhà ở ở mức hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang cần phục hồi bền vững.
Theo ghi nhận, giá cát xây dựng tại nhiều địa phương đã tăng từ 5 - 10% so với cuối năm 2024. Mức giá phổ biến hiện dao động từ 140.000 đến 400.000 đồng/m³, thậm chí có nơi chạm mốc 1 triệu đồng mỗi mét khối, gấp đôi mức trung bình. Trong khi đó, giá thép xây dựng là một vật tư không thể thiếu trong các công trình cũng leo thang nhanh chóng trong quý 2/2025. Cụ thể, giá thép đã tăng thêm 700 - 1.000 đồng/kg và từ giữa tháng 5, các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng 200.000 đồng/tấn đối với thép xây dựng.
Sự biến động này không chỉ là tín hiệu bất ổn với các nhà thầu xây dựng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm nhà ở. Với mức chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều chủ đầu tư buộc phải tính toán lại tổng mức đầu tư và khả năng cao sẽ điều chỉnh giá bán căn hộ để bù đắp phần chi phí phát sinh.
Đáng lo ngại hơn, thị trường bất động sản hiện vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, sức mua chưa thực sự hồi phục mạnh. Việc giá nhà tiếp tục leo thang do chi phí xây dựng tăng sẽ càng gây khó khăn cho người dân có nhu cầu mua nhà ở thực.
Trước thực trạng này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, đặc biệt là phục vụ cho các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia. Mục tiêu là ổn định thị trường vật liệu xây dựng, hạn chế tối đa tác động lan truyền từ giá vật liệu sang mặt bằng giá nhà ở và hạ tầng.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sức ép từ chi phí vật liệu vẫn là một ẩn số khó kiểm soát. Nếu không có biện pháp kịp thời và hiệu quả từ cơ quan quản lý, nhiều khả năng mặt bằng giá nhà sẽ thiết lập mức cao mới trong thời gian tới, kéo theo hệ lụy lớn đối với thị trường và người tiêu dùng.
Cem.Info