Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Vấn đề
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Việt Nam xem là quốc sách. Và điều này đã được cụ thể hoá bằng rất nhiều các văn bản pháp lý quan trọng như Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Khoáng sản các năm 1996, 2005 và 2010; Luật Điện lực; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015...
Tuy nhiên, trước thực trạng tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ khá cao của Việt Nam tuy đã giúp cải thiện mức sống của người dân nhưng đồng thời cũng làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Dự báo nhu cầu điện của Quy hoạch Điện VII, tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 8,1-8,7% giai đoạn (2001-2020), trong đó năm 2010 trên 100 tỷ kWh, năm 2020 là 330-362 tỷ kWh, năm 2030 là 695-834 tỷ kWh. Nhu cầu than riêng cho ngành
điện vào năm 2020 với công suất các nhà máy điện than là 36 nghìn MW để sản xuất 154,44 tỷ kWh, sẽ tiêu thụ 67,3 triệu tấn
than. Dự báo đến năm 2030, công suất các nhà máy nhiệt điện than là 75.748 MW để sản xuất 391,98 tỷ kWh, tiêu thụ tới 171 triệu tấn than.
Mức độ tiêu hao năng lượng của cả nước lại đang rất lãng phí, và nếu tính bình quân trên 1 đơn vị sản phẩm thì cao hơn gấp 5 - 6 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn tạo lên áp lực phát triển rất lớn đối với ngành năng lượng. Chính vì vậy, tiết kiệm năng lượng đã và đang trở thành vấn đề cấp bách không chỉ với một ngành, một lĩnh vực mà là của cả nền kinh tế.
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham luận được trình bày. Đa số các ý kiến tham luận đều thống nhất cho rằng, năng lượng chính là yếu tố sống còn, đảm bảo sự phát triển bền vững đối với mọi nền kinh tế, là động lực phát triển đất nước. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang gia tăng mạnh mẽ, kèm theo đó là thách thức to lớn về nguy cơ hủy hoại môi trường, nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt thì vấn đề “
Tiết kiệm năng lượng” có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp bách.