» Ngành Vật liệu xây dựng đang đối mặt với nhiều thách thức về công nghệ, chính sách và môi trường. Những bất cập kéo dài đang cản trở sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của ngành, đòi hỏi một hướng đi mới mang tính chiến lược, đồng bộ và thực chất.
Nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tại Việt Nam không ngừng gia tăng, kéo theo kỳ vọng lớn vào ngành công nghiệp nền tảng này. Tuy vậy, công nghệ lạc hậu, chính sách điều hành phân mảnh và thiếu đồng bộ trong khai thác tài nguyên đang khiến ngành Vật liệu xây dựng tụt lại so với yêu cầu phát triển bền vững. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện đại hóa sản xuất và hoàn thiện khung pháp lý đang là nhiệm vụ cấp thiết. Ngày 9/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới”, đây là bước chuẩn bị quan trọng trước khi trình Đề án lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị.
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Theo đánh giá từ Bộ Xây dựng, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư và phát triển vật liệu xây dựng hiện còn nhiều bất cập: các quy định dàn trải ở nhiều luật, nghị định, không rõ đầu mối chịu trách nhiệm chính. Điều này gây khó khăn trong quản lý, đầu tư, kiểm soát chất lượng và bảo vệ môi trường.
Về sản xuất, công nghệ trong ngành vẫn chậm được thay đổi. Nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền tiêu hao năng lượng lớn, phát thải cao, chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn quốc tế. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ngành Vật liệu xây dựng dù có quy mô lớn (ví dụ: 110 triệu tấn xi măng, 150 triệu m³ bê tông mỗi năm) nhưng vẫn thiếu sức cạnh tranh bền vững.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đã xây dựng Dự thảo Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới”. Đề án đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn công nghệ lạc hậu, thúc đẩy sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Kiến nghị chính sách thực chất, hỗ trợ đầu tư công nghệ xanh
Tại Hội nghị, đại diện nhiều Hội, Hiệp hội chuyên ngành và doanh nghiệp lớn đồng loạt đề xuất các chính sách cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa ngành Vật liệu xây dựng. Hiệp hội Thép Việt Nam đề xuất phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Thép đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đi kèm cơ chế đặc thù để ngành phát triển xanh, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu truyền thống.
Tổng Công ty Viglacera kiến nghị thành lập trung tâm thông tin vật liệu xây dựng, tạo kênh cập nhật thông tin kịp thời cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn được hưởng ưu đãi về thuế và tín dụng xanh khi đầu tư vào công nghệ tái chế, sử dụng nguyên liệu thay thế, tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi số.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát và nhiều doanh nghiệp khác cũng yêu cầu có chính sách rõ ràng trong quản lý chất thải và cấp phép sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu. Một nội dung then chốt khác là xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đồng bộ, nhất là với vật liệu đặc thù như thép dự ứng lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong đấu thầu và kiểm định chất lượng công trình.
Quy hoạch tài nguyên, thúc đẩy vật liệu tái chế
Ngoài công nghệ và chính sách, quản lý tài nguyên cũng là trụ cột trong phát triển bền vững. Theo đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần quy hoạch phù hợp theo từng vùng, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần tối ưu hóa sử dụng đất sau khai thác, khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu tái chế, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, các ý kiến góp ý tại hội nghị rất thiết thực, nhiều quan điểm mới và có tính khả thi cao. Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề án, trình Đảng ủy Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng theo đúng lộ trình.