» Theo Bộ Xây dựng, nửa đầu năm 2025, thị trường vật liệu xây dựng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Sản xuất và tiêu thụ tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó xi măng có mức tăng trưởng đáng chú ý. Tuy nhiên, giá nhiều loại vật liệu như cát, sỏi, đá... tiếp tục tăng cao và khan hiếm, gây áp lực lên chi phí xây dựng.
Ngành Vật liệu xây dựng đang từng bước phục hồi sau thời kỳ chững lại. Các chỉ số về sản lượng, tiêu thụ và xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm phản ánh rõ lực đẩy từ cả nhu cầu nội địa lẫn quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực cho chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng, đặc biệt khi giá nhiều loại nguyên vật liệu khác vẫn diễn biến phức tạp. Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng cho biết, sản lượng xi măng sản xuất đạt khoảng 49,8 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng sản lượng tiêu thụ (bao gồm xi măng và clinker) đạt khoảng 54 triệu tấn, tăng 14%, trong đó riêng tiêu thụ nội địa đạt 37,5 triệu tấn, tăng đến 18%.
Về xuất khẩu, sản lượng đạt 17 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu clinker tăng 19%, trong khi xuất khẩu xi măng giảm nhẹ 2%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 635 triệu USD, tăng 1,7%. Các thị trường chủ lực tiếp tục là Philippines, Mỹ, Singapore và Malaysia. Dù vậy, giá xuất khẩu vẫn duy trì ở mức thấp do cạnh tranh gay gắt, buộc doanh nghiệp phải giữ giá bằng với cuối năm 2024 để duy trì đơn hàng. Tồn kho hiện vào khoảng 4,5 triệu tấn, tương đương khoảng 20 ngày sản xuất.
Ngoài xi măng, các lĩnh vực vật liệu khác như gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng và vật liệu xây không nung cũng ghi nhận tín hiệu tăng trưởng ổn định. Trong đó, gạch ốp lát sản xuất khoảng 225 triệu m², tiêu thụ nội địa đạt 220 triệu m². Sứ vệ sinh sản xuất được 6,5 triệu sản phẩm, tiêu thụ 7,1 triệu sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ. Kính xây dựng đạt sản lượng 72 triệu m² quy tiêu chuẩn, tương đương 35% công suất thiết kế, trong đó một số nhà máy lớn vẫn duy trì ổn định sản xuất và tiêu thụ. Vật liệu xây không nung dù đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, vẫn đạt sản lượng 2,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn, tăng 8% nhờ nhu cầu thay thế gạch đất sét nung.
Tuy nhiên, song song với tín hiệu phục hồi về sản lượng, thị trường vẫn phải đối mặt với áp lực lớn từ giá cả. Trong 6 tháng đầu năm, giá nhiều loại vật liệu như cát, sỏi, đá, gạch, vật liệu san lấp... tăng cao bất thường, gây ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng. Trước tình trạng này, ngày 10/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp kiểm soát, ổn định giá vật liệu xây dựng. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng cũng có Văn bản số 5050/BXD-KHCNMT&VLXD hướng dẫn thực hiện tại các địa phương nhằm đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường.
Nhìn chung, bức tranh ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy sự khởi sắc trên nhiều phương diện: sản lượng, tiêu thụ và xuất khẩu đều có dấu hiệu tích cực, đặc biệt là nhóm sản phẩm chủ lực như xi măng. Tuy nhiên, thách thức về giá cả và chi phí đầu vào vẫn hiện hữu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc điều phối nguồn lực, ổn định thị trường và thúc đẩy chính sách hỗ trợ để duy trì đà phục hồi và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm.
Cem.Info