Với hàng loạt giải pháp công nghệ xoay quanh phát thải khí cho thấy con đường dẫn đến xi măng “không phát thải” đang rộng mở cho Vicem và cho ngành xi măng Việt Nam và Thế giới.
Gần đây, trong “Tuyên bố Hà Nội” Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cùng với Công ty F.LSmidth (Đan Mạch) cùng trịnh trọng tuyên bố, phấn đấu đến năm 2030 Vicem sẽ thành công trong việc tạo ra xi măng “không phát thải”. Nói không phát thải hay đúng hơn là rất ít phát thải. Đây thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của các nhà sản xuất xi măng thuộc Tổng Công ty Vicem với cộng đồng xã hội và với chính mình. Lộ trình thực hiện chắc chắn tốn nhiều công sức, tiền của, đặc biệt là trí tuệ, giải pháp.
Nhiều người chưa thật sự tin tưởng vào ý tưởng táo bạo đó. Là chuyên gia công nghệ sản xuất xi măng với bề dày kinh nghiệm, từng trải họ cho rằng đã sản xuất xi măng là có phát thải, chỉ riêng việc phân hủy CaCO3 là đã cho ra đời CO2.
Nhiều người chưa thật sự tin tưởng vào ý tưởng táo bạo đó. Là chuyên gia công nghệ sản xuất xi măng với bề dày kinh nghiệm, từng trải họ cho rằng đã sản xuất xi măng là có phát thải, chỉ riêng việc phân hủy CaCO3 là đã cho ra đời CO2.

Tuy nhiên, cách lập luận của Vicem, hay trong “tuyên bố Hà Nội” còn có một mệnh đề kèm theo là “khí tuần hoàn tự nhiên”. “Không phát thải” tức là không cho ra môi trường còn nếu tuần hoàn tái sử dụng phát thải thì đồng nghĩa với không phát thải.
Để đưa ra “tuyên bố Hà Nội”đội ngũ cán bộ kỹ thuật Vicem đã phải trăn trở nhiều năm, kết hợp với các phát minh của các hãng công nghệ hàng đầu Thế giới về xi măng mà đại diện ở đây là F.LSmidth.
Ngày nay, ngoài việc áp dụng nhiều giải pháp công nghệ khác nhau, việc phát thải các loại khí độc hại ra môi trường, trong đó có CO2 đã ngày càng giảm. Hệ thống lọc bụi điện, lọc bụi túi cũng được cải tiến, nâng cấp không ngừng, làm cho việc sản xuất xi măng ngày càng sạch hơn. Nồng độ bụi thải ra môi trường đã giảm liên tục từ 50mg/Nm3 xuống 20mg/Nm3. Với việc lắp đặt hệ thống phát điện sử dụng nhiệt khí thải từ ống khói và từ khu vực ghi quay làm lạnh clinker đã giúp giảm hẳn nhiệt độ khí thải ra môi trường, giảm lượng bụi rất lớn. Bụi từ khí thải sản xuất xi măng được lọc sạch và tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Khí thải sau khi lọc được đưa vào nồi hơi, từ đó tạo ra điện. Lượng điện tái tạo này có công suất đạt đến 30% lượng điện cần thiết cho nhà máy xi măng. Nghĩa là điện tái tạo trong sản xuất xi măng góp phần vào việc giảm bớt lượng điện cần phải sản xuất của các nhà máy điện như nhiệt điện và đó đồng nghĩa với việc giảm phát thải cho các nhà máy sản xuất điện.
Thế giới ngày nay đang phát triển ngành xi măng theo hướng xi măng cac bon thấp. Vicem và xi măng Việt Nam cũng đang từng bước giảm dần phát thải CO2 trong sản xuất xi măng theo hướng cac bon thấp, giảm tỷ lệ clinker trong xi măng, thay thế clinker bằng các phụ gia có hoạt tính xi măng như xỉ hạt lò cao, một số loại tro xỉ khác và nhiều loại phụ gia khác từ thiên nhiên và phế thải công nghiệp. Nhờ việc sản xuất xi măng cac bon thấp, xi măng Việt Nam đã đạt được một số thành công và đang ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ khác nhau. Giảm clinker trong xi măng cũng chính là giải pháp giảm phát thải CO2, giảm sử dụng nhiều đá vôi để sản xuất clinker. Giảm clinker trong xi măng là giảm nhiên liệu để nung clinker, nghĩa là làm giảm phát thải CO2 và các phát thải khác, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sản xuất xi măng cac bon thấp vừa tận dụng sử dụng được nhiều phế thải công nghiệp của các ngành khác, vừa tạo ra nhiều loại xi măng có tính năng đặc biệt, nhất là các loại xi măng bền trong môi trường biển. Giảm cac bon trong xi măng còn mang lại hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản xuất xi măng.
Để có thể có “khí tuần hoàn tự nhiên”, điều quan trọng mà Vicem cũng như các nhà công nghệ sản xuất xi măng cần phải làm là phải sử dụng được khí thải đó. Và chắc chắn khí thải đó phải là khí thải tương đối sạch. Công nghệ sản xuất khí thải sạch cũng là một trong những chìa khóa mà Vicem và các nhà sản xuất xi măng đang hướng tới.
Với hàng loạt giải pháp công nghệ xoay quanh phát thải khí cho thấy con đường dẫn đến xi măng “không phát thải” đang rộng mở cho Vicem và cho ngành xi măng Việt Nam, Thế giới.
ximang.vn (TH/ TC VLXD)