» Trước yêu cầu cấp thiết về giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố Đà Nẵng đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vật liệu xây dựng xanh. Đây được xem là định hướng chủ đạo để ngành Xây dựng chuyển mình theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, trên thị trường hiện có đa dạng chủng loại vật liệu xây dựng từ thông thường đến cao cấp, với nhiều tính năng kỹ thuật và mức giá hợp lý. Các sản phẩm như clinker làm xi măng, kính xây dựng, tấm thạch cao… được cung ứng từ nhiều nguồn trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển vật liệu xây dựng xanh được thành phố ưu tiên nhằm hạn chế sử dụng tài nguyên khoáng sản, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Từ năm 2010, thành phố đã xóa bỏ hoàn toàn các loại lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2013, các công trình đầu tư công bắt buộc sử dụng gạch không nung, đồng thời thành phố khuyến khích mở rộng sử dụng vật liệu xây không nung cho mọi loại công trình, không phân biệt nguồn vốn hay quy mô.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng hợp tác với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nghiên cứu các mô hình quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Đáng chú ý, Công ty CP Bê tông nhẹ Đà Nẵng đã được cấp phép doanh nghiệp khoa học và công nghệ với hơn 20 sản phẩm gạch bê tông tái chế mang tính năng vượt trội, góp phần thúc đẩy vật liệu xanh vào thực tiễn.
Các giải pháp và vật liệu xây dựng xanh cần được khuyến khích áp dụng rộng rãi.
Hiện toàn thành phố có 69 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng đang hoạt động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ sạch, giảm phát thải, cải thiện môi trường sản xuất. Tuy vậy, một số cơ sở sản xuất thủ công như đá chẻ, khai thác đá xây dựng vẫn còn gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cần sớm được kiểm soát và chuyển đổi công nghệ.
Thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2050, với mục tiêu phát triển bền vững, lựa chọn công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, thành phố khuyến khích đầu tư vào vật liệu xây dựng xanh, phát triển chuỗi cung ứng từ các địa phương lân cận và mở rộng liên kết sản xuất vật liệu mới.
Mục tiêu đến năm 2050, ngành Vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng sẽ tự động hóa hoàn toàn, trở thành ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Thành phố cũng hướng đến việc tận dụng tối đa phế thải, nguyên liệu tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng là yếu tố then chốt để giảm áp lực lên nguồn tài nguyên tự nhiên.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện Đà Nẵng đang gặp khó khăn về nguồn khoáng sản thông thường, nhiều loại nguyên liệu phải nhập từ tỉnh khác. Việc hợp nhất với tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới sẽ là cơ hội để điều chỉnh Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng dựa trên lợi thế vùng, đồng thời tập trung mạnh vào dòng vật liệu xanh.
Một số sản phẩm vật liệu tái chế như gạch từ tro đốt rác thải rắn vẫn còn khó tiêu thụ do chưa có chính sách hỗ trợ tiêu thụ. Thành phố đang nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm này vào công trình đê, kè... và kiến nghị ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như quy định cụ thể về vật liệu xanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và thị trường tiêu dùng.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, cần đẩy mạnh chính sách ưu đãi tài chính cho các dự án đầu tư vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Đồng thời, cần có quy định bắt buộc hoặc khuyến khích đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng; xây dựng định mức và suất đầu tư để vật liệu xanh được sử dụng rộng rãi trong các công trình công.
Với định hướng rõ ràng, chính sách đồng bộ và sự tham gia chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, TP. Đà Nẵng đang từng bước hình thành hệ sinh thái vật liệu xây dựng xanh. Đây là nền tảng quan trọng để thành phố tiến tới mục tiêu phát triển ngành Vật liệu xây dựng hiện đại, thân thiện môi trường và bền vững trong tương lai gần.
ximang.vn (TH/ Báo Đà Nẵng)