Thông tin chuyên ngành Xi măng Việt Nam

Chuyên đề xi măng

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

22/07/2013 2:23:12 PM

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam (Vicem) giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, Vicem sẽ có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực chính là xi-măng; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh để trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành xi-măng ở Việt Nam. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu cao của Chính phủ, về lâu dài Vicem vẫn còn rất nhiều việc phải làm.


Công ty Xi-măng VICEM Hoàng Thạch.

Theo Ðề án đã được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, nghề kinh doanh chính của Vicem là sản xuất, kinh doanh xi-măng và các sản phẩm vật liệu xây dựng (bê-tông, cốt liệu, vật liệu xây dựng không nung, vôi công nghiệp, các loại sản phẩm từ xi-măng và vật liệu xây dựng khác). Bên cạnh đó, tư vấn đầu tư, xây dựng và phát triển xi-măng; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao bí quyết sản xuất, kinh doanh, công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Vốn điều lệ của Vicem do Bộ trưởng Xây dựng quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính. Cơ cấu Công ty mẹ - Vicem bao gồm: Công ty Tư vấn đầu tư phát triển xi-măng (CCID), Viện Công nghệ xi-măng Vicem, các Ban Quản lý dự án do Công ty mẹ thành lập. Ðồng thời, duy trì ba doanh nghiệp (DN) do Công ty mẹ - Vicem nắm giữ 100% vốn điều lệ: Công ty TNHH một thành viên xi-măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty TNHH một thành viên xi-măng Vicem Hải Phòng và Công ty TNHH một thành viên xi-măng Vicem Tam Ðiệp. Thực hiện sáp nhập Công ty cổ phần Vicem Ðá xây dựng Hòa Phát vào Công ty cổ phần xi-măng Vicem Hải Vân theo quy định của pháp luật. Về tái cơ cấu tài chính và đầu tư, Chính phủ yêu cầu Vicem thoái 100% vốn góp của Công ty mẹ - Vicem tại năm DN, thoái một phần vốn để Công ty mẹ - Vicem không nắm cổ phần chi phối tại chín DN...

Tổng Giám đốc Vicem Nguyễn Ngọc Anh cho biết, Tổng công ty là một trong số DN ít chịu ảnh hưởng từ phong trào đầu tư đa ngành, đa nghề trước đây. Với năng lực sản xuất và tiêu thụ khoảng 21 triệu tấn/năm, Vicem luôn là đơn vị chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành xi-măng tại Việt Nam. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng mức sản xuất và tiêu thụ của Vicem vẫn tăng 15% so với cùng kỳ và là khối duy nhất có tăng trưởng trong ngành xi-măng, hai khối còn lại là liên doanh và tư nhân đều có mức tăng trưởng âm. Trên thị trường xi-măng hiện nay, thị phần của Vicem tăng khoảng 3% lên gần 38%. Tổng công ty đã và đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ khâu sản xuất: chạy lò dài ngày, tiết kiệm, khoán định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, điện năng cho từng công đoạn... đến khâu tiêu thụ: cơ cấu lại công tác bán hàng, tránh cạnh tranh nội bộ, đẩy mạnh việc tiếp cận chương trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn tại các địa phương... và cho ra đời các dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một trong những điểm mới trong Ðề án lần này là cho phép Vicem xây dựng phương án cụ thể đối với việc tìm kiếm, mua lại hoặc xem xét, tiếp nhận các DN, dự án xi-măng có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với tiềm lực tài chính, định hướng, chiến lược phát triển của Vicem, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo Tổng Giám đốc Vicem, ưu tiên hàng đầu vẫn là giải quyết trả nợ dứt điểm những khoản vay đầu tư một số dây chuyền trong Tổng công ty. Năm 2012, Vicem đã trả nợ khoảng 5.000 tỷ đồng và dự kiến năm nay cũng trả một khoản tương tự và nhiều khả năng hai năm nữa sẽ hoàn tất việc trả nợ. Do vậy, thời điểm này vấn đề vốn cũng đang gặp khó khăn, tuy nhiên, Vicem vẫn đang xúc tiến một số thương vụ sáp nhập nếu gặp điều kiện thuận lợi và có sự tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách thì khả năng thành công là trong tầm tay.

Phải nói rằng, ngành xi-măng trong đó có Vicem là một trong những ngành phải chịu gánh nặng tiền lương khá lớn. Mức lương trung bình của người lao động trong Vicem khoảng hơn bảy triệu đồng/người. Do vậy, việc tập trung tái cấu trúc quản trị DN, sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ và hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định quản lý nội bộ và  kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự quản lý và điều hành luôn được lãnh đạo Tổng công ty hết sức quan tâm. Ðồng thời, để theo kịp đà phát triển, Vicem cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện đầu tư hạ tầng và chuẩn hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và quản lý để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiều sáng kiến đã đem lại những kết quả tích cực như việc làm kín lò nung bằng gra-phít đã làm lợi cho Tổng công ty hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, đứng trên góc độ quản lý ngành, Bộ đang tập trung giảm sức ép cạnh tranh trên thị trường thông qua việc siết chặt quy hoạch xi-măng. Vừa qua, chín dự án đã được đưa ra khỏi quy hoạch và bảy dự án giãn tiến độ đầu tư, đồng thời tăng cường rà soát việc sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng và xi-măng, khuyến khích và bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung (thành phần chủ yếu là xi-măng) trong xây dựng nhà cao tầng, phối hợp Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh làm đường bằng bê-tông... Tuy nhiên,  để duy trì sản xuất, kinh doanh và có tăng trưởng, các DN xi-măng trong đó có Vicem phải chủ động, linh hoạt các giải pháp tổng thể. Tổng Giám đốc Vicem Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ, Tổng công ty đã lường trước những khó khăn và đã sẵn sàng cho những bước thay đổi lớn, kể cả việc cổ phần hóa toàn bộ Tổng công ty và các công ty thành viên. Ðây có thể là một thách thức lớn nhưng cũng là một cơ hội để Vicem tái khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt thị trường xi-măng vốn "nhạt nhòa" trong bối cảnh thị trường xi-măng cung vượt cầu hiện nay.

Theo Nhân dân *

 

TIN MỚI

ĐỌC NHIỀU NHẤT

banner kluber
banner mapei2
bannergiavlxd
faq

Hội thảo "Xi măng vượt ngoài carbon - Mở rộng tiềm năng"

Xem các video khác

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, yếu tố nào thúc đẩy tiêu thụ VLXD hiện nay?