Một là, cơ chế, chính sách để phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng còn có khoảng cách so với thực tiễn; phản ứng chính sách còn chưa kịp thời với các vấn đề phát sinh, cam kết quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các diễn biến nhanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất
vật liệu xây dựng ứng dụng khoa học công nghệ chưa được ban hành cụ thể.
Hai là, chi phí nhiên liệu than, dầu FO, khí nén thiên nhiên (CNG), khí gas hóa lỏng (LPG) và điện tăng cao. Các nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi, đá sét, phụ gia xi măng; cát trắng silic, đá vôi, đolomit làm kính; cao lanh, tràng thạch làm gạch ốp lát, sứ vệ sinh; cát để sản xuất vật liệu xây không nung, nguyên liệu đầu vào làm thép vẫn còn gặp khó khăn, có lúc chưa bảo đảm đủ ổn định để sản xuất.
Ba là, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, thị trường
bất động sản trong nước tăng trưởng chậm, nhiều
công trình xây dựng, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải hoãn hoặc giãn tiến độ.
Chi phí vận tải tăng cao;
xuất khẩu clinker, các sản phẩm vật liệu xây dựng sụt giảm do cạnh tranh gay gắt về giá bán sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cộng với các quy định về hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt do sản phẩm nhập ngoại tăng lên đáng kể trong thời gian qua.
Bốn là, tình hình tài chính gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là các doanh nghiệp xi măng có tỷ lệ vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng lớn. Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi lớn. Do tiêu thụ sản phẩm rất chậm trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất, dẫn đến dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn. Nhiều nhà máy vật liệu xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực xi măng, thép xây dựng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu.
Năm là, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái liên quan đến
vật liệu xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát, nhưng tình trạng buôn lậu và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các sản phẩm gạch, ngói kém chất lượng.
Để giải quyết những thách thức trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp kịp thời và hiệu quả. Trong đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tài chính, và nâng cao chất lượng sản phẩm được xem là các giải pháp then chốt. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp.