Là một quốc gia được “ca ngợi” là nghèo tài nguyên khoáng sản. Hầu hết các loại nguyên liệu sản xuất công nghiệp được nhập khẩu từ nước ngoài. Là một nước có bờ biển dài song Nhật Bản cũng là nước phải nhập khẩu cát thủy tinh… Tuy nhiên điều ngạc nhiên là Nhật Bản là nước chuyên xuất khẩu xi măng trong 30 năm qua với khối lượng lớn, trên dưới 10 triệu tấn/năm. Rõ ràng công nghiệp xi măng Nhật Bản có thế mạnh, có giá thành hạ thì mới có thể xuất khẩu lớn đến như thế.
Thực ra, nói đến xi măng Nhật Bản chỉ giới hạn trong các dây chuyền sản xuất trong nước. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất xi măng của Nhật Bản còn đầu tư công nghệ sản xuất ở nước ngoài như liên doanh Xi măng Nghi Sơn ở Việt Nam. Sức cạnh tranh của xi măng Nhật Bản trên thị trường quốc tế là tổng hợp của nhiều yếu tố, tập trung lại là tối ưu hóa, hợp lý hóa. Công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường, logistic tối ưu, tự động hóa cao, năng suất lao động cao và có một điều đặc biệt là giá than nung đốt clinker trong 20 năm qua chỉ luôn luôn tương đương giá bán xi măng hoặc thấp hơn.
Theo số liệu thống kê của Construction Research Institute and Finance Ministry Trade Statistics thì giá than và giá xi măng cụ thể vào tháng 1 hàng năm như sau:
Theo số liệu thống kê của Construction Research Institute and Finance Ministry Trade Statistics thì giá than và giá xi măng cụ thể vào tháng 1 hàng năm như sau:
(ĐVT: JPY/tấn)
Năm | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 |
Giá than | 8.000 | 9.000 | 13.000 | 9.000 | 9.500 | 11.000 | 10.000 |
Giá xi măng | 8.600 | 8.600 | 10.000 | 10.000 | 10.000 | 10.500 | 10.500 |
Năm | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
Giá than | 11.000 | 11.000 | 9.000 | 11.000 | 12.000 | 13.500 | 10.500 |
Giá xi măng | 10.500 | 10.700 | 10.700 | 10.700 | 10.700 | 11.000 | 11.000 |
Như vậy trong 14 năm qua giá than ở Nhật Bản có lúc cao, lúc thấp song giá bán xi măng chỉ có giữ ổn định hay tăng nhẹ. Giá bán than và xi măng luôn bám sát nhau, chênh lẹch không đáng kể. Nếu so sánh tỷ giá hối doái hiện nay thì giá xi măng ở Nhật Bản tháng 1/2020 là 2,415 triệu VNĐ, giá than là 2,195 triệu VNĐ. So sánh giá than và giá xi măng của Việt Nam cho thấy giá than quá cao so với giá bán xi măng, thường gấp 1,5 lần. Vì vậy, chi phí năng lượng lớn trong giá thành. Từ tình trạng này, các doanh nghiệp xi măng và nhiệt điện phải tìm cách nhập khẩu than từ nước ngoài. Một điều nữa cũng có sự khác biệt đóa là giá xi măng của Việt Nam có xu hướng giảm. Đặc biệt theo giá USD thì giá xi măng ngày càng thấp.
Rõ ràng qua số liệu thống kê, có thể nói giá than ở Nhật Bản cũng tương đương giá than cho xi măng ở Việt Nam, nhưng ngược lại giá xi măng cao hơn hẳn. Đây là điều kiện rất tốt cho phát triển xi măng ở Nhật Bản. Ngoài ra còn nhiều điều kiện khác, nhất là hạ tầng kỹ thuật, giao thông, logistic đã tạo cho xi măng Nhật Bản có sức cạnh tranh cao.
Hãy khoan bình luận về các điều kiện khác, chỉ nói về giá xi măng cao hay thấp có lợi, hại gì cho người tiêu dùng, cho quốc gia. Tất nhiên, khái niệm cao hay thấp cũng phải nằm trong một giới hạn nhất định, nghĩa là nếu cao lên một ít, khoảng 10 - 15% hay giảm 10 - 15%.
Giá hàng hóa giảm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng vì khi mua hàng sẽ giảm chi tiêu, trong công trình đầu tư sẽ giảm mức đầu tư.Nhưng về mặt quốc gia, điều này chỉ làm giảm thuế, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều loại thuế khác. Với doanh nghiệp giảm đến mức giá thành thì không có lãi, lương thưởng người lao động thấp, đầu tư chiều sau, đổi mới công nghệ rất khó khăn, đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, đầu tư bảo vệ môi trường rất hạn hẹp. Giảm giá bán sản phẩm xuống thấp kéo theo nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp mà cuối cùng chính là ảnh hưởng đến xã hội. Nếu nâng giá bán quá cao thì cũng là điều không tốt ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và trong thời đại ngày nay, nếu giá hàng hóa, sản phẩm trong nước quá cao thì sức cạnh tranh giảm và dĩ nhiên hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào. Xã hội mong muốn doanh nghiệp áp dụng mọi giải pháp để hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ tốt môi trường và nâng cao thu nhập của người lao động, thực hiện tốt các nghĩa vụ với địa phương nơi xây dựng nhà máy. Xã hội thực ra không mong muốn các doanh nghiệp vì đầu tư quá lớn, nguồn cung vượt cầu quá nhiều để thi nhau hạ giá bán sản phẩm. Điều này thực ra không làm xã hội hài lòng. Chính vậy, Nhật Bản duy trì chính sách giá bán xi măng như vậy là hợp lý, khoa học và cũng chính vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia.
Ở Việt Nam, nhiều lĩnh vực do cạnh tranh, do cung vượt cầu quá lớn nên thi nhau hạ giá. Đây chính là điều nên xem xét, bàn bạc và có quyết định đúng.
Là nước nghèo tài nguyên khoáng sản như Nhật Bản duy trì chính sách xuất khẩu xi măng lâu dài ở mức cao, duy trì giá bán xi măng tương đương giá bán than và tương đương 100 USD/tấn là cách làm mà chúng ta cần suy ngẫm.
ximang.vn (Tạp chí VLXD)