» Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn phải bắt buộc sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải xây dựng. Thành phố cũng khuyến khích các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách áp dụng giải pháp này nhằm giảm thiểu khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ngày 06/06, UBND TP. Hà Nội chính thức ban hành Quyết định số 2831/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Tổng thể công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2030". Trong đó, mục tiêu nổi bật là yêu cầu 100% công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng, thay thế hoàn toàn vật liệu khai thác từ tài nguyên thiên nhiên. Đối với các công trình dùng vốn ngoài ngân sách, thành phố khuyến khích triển khai theo hướng này từ năm 2025 đến 2030.
Chất thải rắn xây dựng tại Hà Nội bao gồm đất đá, gạch vỡ, tàn tích thực vật và các loại vật liệu không đạt yêu cầu phát sinh trong quá trình thiết kế, thi công. Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tài nguyên Môi trường năm 2022, lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại Hà Nội trong năm 2021 là hơn 4.000 tấn/ngày, dự báo có thể vượt 9.400 tấn/ngày vào năm 2025. Tuy nhiên, với việc triển khai Đề án mới, lượng phát sinh được kiểm soát và ước tính còn khoảng 3.400 tấn/ngày vào năm 2030.
Để xử lý khối lượng chất thải ngày càng tăng này, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu gom ít nhất 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng tại các đô thị, trong đó tối thiểu 60% sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế thành sản phẩm phục vụ xây dựng. Thành phố yêu cầu tiếp tục sử dụng hai khu vực xử lý chất thải rắn xây dựng hiện có là khu 6,5 ha tại nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hoàng Mai) và bãi chôn lấp Nguyên Khê (Đông Anh) đến năm 2026. Sau đó, sẽ đầu tư thêm các cơ sở xử lý mới theo quy hoạch, nâng tổng công suất toàn thành phố lên 4.180 - 4.780 tấn/ngày.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng ưu tiên tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng ngay tại công trình. Đồng thời, các dự án trồng cây xanh, thảm cỏ trong xây dựng đường giao thông hoặc dự án khác phải sử dụng đất hữu cơ bóc tách từ tầng canh tác. Các gói thầu xây dựng có sử dụng vốn ngân sách cần ưu tiên tiêu chí dùng vật liệu tái chế, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Về mặt chính sách, thành phố đặt yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế quản lý chất thải rắn xây dựng từ cấp thành phố tới xã, phường. Đồng thời, xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp với điều kiện thực tế, tăng hiệu quả quản lý và khuyến khích đầu tư vào các dây chuyền công nghệ tái chế hiện đại.
Thành phố cũng đã có chủ trương thúc đẩy tái chế chất thải rắn xây dựng trong thời gian qua, từng triển khai thử nghiệm nghiền nhỏ phế thải để tái sử dụng làm vật liệu nền móng tại công trường đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế vẫn gặp khó khăn do thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ sở pháp lý đầy đủ.
ximang.vn (TH)