» Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14136:2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với tro bay sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói nung và clinker xi măng portland. Trong bối cảnh tro bay ngày càng được tận dụng thay thế một phần nguyên liệu truyền thống để hướng tới sản xuất xanh, việc áp dụng đúng tiêu chuẩn này là cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và hiệu quả sử dụng trong thực tế.
Tro bay là một loại bột mịn, chứa chủ yếu các oxit như silic (SiO₂), nhôm (Al₂O₃), canxi (CaO), sắt (Fe₂O₃), magie (MgO), lưu huỳnh (SO₃) cùng một lượng nhỏ than chưa cháy. Với kích thước hạt siêu mịn chỉ từ 1 -10 micron, tro bay có khả năng phản ứng pozzolanic, giúp cải thiện các tính chất của bê tông như tăng độ bền, giảm tính thấm, tăng khả năng kháng sunfat và giảm phản ứng kiềm-silica.
Trên thực tế, tro bay hiện nay được phân thành hai loại chính. Tro bay loại C có hàm lượng CaO cao (trên 20%), thường bắt nguồn từ than phụ bitum, có thành phần chủ yếu là thủy tinh alumino-sunfat canxi, thạch anh và vôi tự do. Tro bay loại F có hàm lượng CaO thấp (dưới 10%), thường thu được từ than bitum hoặc antraxit, thành phần gồm thủy tinh alumino-silicat, thạch anh, mullite và magnetit.
Một số đơn vị trong nước đã tiến hành thử nghiệm sử dụng tro bay thay thế 14 đến 18% lượng xi măng trong bê tông. Nhờ độ mịn cao và khả năng phản ứng tốt, vật liệu này không chỉ giảm chi phí và phát thải khí nhà kính mà vẫn đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật và độ bền của bê tông.
Tro bay làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng nên đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn TCVN 14136:2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đã đưa ra các yêu cầu cụ thể để đảm bảo việc sử dụng tro bay trong sản xuất vật liệu xây dựng an toàn, hiệu quả và đồng bộ. Theo tiêu chuẩn này, tro bay là loại bụi mịn thu được tại bộ phận lắng bụi khí thải từ quá trình đốt than trong nhà máy nhiệt điện, bao gồm tro bay loại F với hàm lượng canxi oxit đến 10% và tro bay loại C có hàm lượng canxi cao hơn.
Đối với nguyên liệu sản xuất gạch, ngói nung, tiêu chuẩn quy định tổng hàm lượng các oxit axit (SiO₂ + Al₂O₃ + Fe₂O₃) trong tro bay loại F phải đạt tối thiểu 70%, còn với tro bay loại C là không thấp hơn 45%. Với nguyên liệu dùng cho sản xuất clanhke xi măng poóc lăng, hàm lượng silic dioxit phải đạt ít nhất 35%, trong khi hàm lượng SO₃ không được vượt quá 4% khối lượng. Trường hợp các chỉ tiêu này vượt ngưỡng cho phép, tro bay vẫn có thể sử dụng nếu được tính toán lại trong công thức phối liệu và điều chỉnh theo yêu cầu công nghệ.
Về quy trình lấy mẫu, đại diện cho mỗi lô sản phẩm cần được lấy ngẫu nhiên từ ít nhất 5 mẫu đơn, mỗi mẫu không nhỏ hơn 2kg. Sau khi trộn đều, tiến hành chia tư để lấy 2 phần bằng nhau: một phần dùng để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, phần còn lại để lưu trữ phục vụ việc kiểm tra lại nếu cần. Khối lượng mẫu phải đảm bảo đủ để thử toàn diện theo các yêu cầu trong tiêu chuẩn.
Ngoài ra, tiêu chuẩn quy định rõ việc ghi nhãn tro bay khi xuất xưởng phải có phiếu chất lượng đi kèm. Trên phiếu cần ghi rõ tên và địa chỉ cơ sở cung cấp, các chỉ tiêu chất lượng theo quy định, số hiệu lô sản xuất, ngày tháng năm xuất xưởng. Trong quá trình vận chuyển và bảo quản, tro bay cần được lưu trữ trong các silo hoặc kho có mái che, tránh để lẫn tạp chất hoặc bị ẩm ướt, nhằm đảm bảo tính ổn định và chất lượng nguyên liệu.
Việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN 14136:2024 không chỉ là yêu cầu về mặt kỹ thuật mà còn là bước đi quan trọng trong lộ trình phát triển vật liệu xây dựng bền vững. Khi được sử dụng đúng cách, tro bay không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển xanh của ngành công nghiệp xi măng.
ximang.vn (TH/ VietQ)