» Ngành Xi măng được biết đến như một trong những ngành phát thải carbon lớn nhất thế giới. Ấn Độ là quốc gia sản xuất xi măng lớn thứ 2 toàn cầu, các nhà sản xuất xi măng tại quốc gia này đang từng bước chuyển mình, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như thu giữ carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm tỷ lệ clinker và tăng cường bảo tồn tài nguyên.
Chuyển đổi xanh của ngành Xi măng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi các cam kết toàn cầu về khí hậu ngày càng siết chặt và xu hướng xây dựng bền vững lên ngôi. Tại Ấn Độ, quốc gia chiếm 8% sản lượng xi măng lắp đặt toàn cầu, lĩnh vực này hiện chiếm khoảng 7% tổng phát thải CO₂ trong nước. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng và đô thị hóa tiếp tục tăng mạnh, bài toán đặt ra cho các nhà sản xuất xi măng tại Ấn Độ làm sao vừa tăng trưởng sản lượng, vừa giảm phát thải là một thách thức lớn nhưng bắt buộc phải giải quyết.
Trong tháng 3 năm nay, lộ trình khử carbon cho ngành Xi măng Ấn Độ với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 đã chính thức được công bố bởi Hiệp hội Xi măng và Bê tông toàn cầu (GCCA) tại Ấn Độ cùng các đối tác liên quan. Lộ trình này đưa ra các mục tiêu trung hạn và dài hạn phù hợp với tầm nhìn phát triển quốc gia “Viksit Bharat 2047”, hướng đến hệ sinh thái sản xuất xi măng bền vững và có trách nhiệm với môi trường.
Mặc dù có dân số lớn nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người, mức tiêu thụ xi măng bình quân đầu người của Ấn Độ hiện chỉ vào khoảng 300 kg/năm, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 540 kg/năm. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng sẽ khiến con số này tăng mạnh trong những năm tới. Dự báo đến năm 2030, ngành Xi măng Ấn Độ có thể phát thải tới 407 triệu tấn khí nhà kính, trong đó các nhà sản xuất xi măng lớn chiếm gần 50%.
Để đối mặt với thách thức này, ngành Xi măng đang áp dụng đồng thời nhiều giải pháp. Trong đó, công nghệ thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon (CCUS) đóng vai trò then chốt. CCUS cho phép thu gom khí CO₂ tại các nhà máy xi măng, sau đó lưu trữ dưới lòng đất hoặc tái sử dụng trong công nghiệp. Các ước tính cho thấy, CCUS có thể giúp giảm tới 36% lượng phát thải CO₂, tạo tiền đề cho việc phát triển xi măng xanh là loại xi măng ứng dụng công nghệ thu giữ carbon, sử dụng nguyên liệu thay thế như tro bay để giảm phát thải trong suốt vòng đời sản xuất.
Một hướng đi quan trọng khác là chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Nhiều nhà sản xuất xi măng lớn đã bắt đầu đầu tư vào điện mặt trời, điện gió và thay thế lò nung chạy bằng nhiên liệu hóa thạch bằng hệ thống sử dụng điện. Nếu thực hiện trên quy mô lớn, việc điện hóa lò nung không chỉ giảm phát thải mà còn cải thiện chất lượng không khí. Một số nhà sản xuất thậm chí đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong những thập kỷ tới.
Cùng với đó, ngành Xi măng Ấn Độ cũng đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào. Việc sử dụng nhiên liệu thay thế như sinh khối, chất thải công nghiệp và gia tăng sản lượng xi măng pha trộn giúp giảm khai thác nguyên liệu nguyên sinh, từ đó cắt giảm đáng kể dấu chân carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Tác động của việc khai thác tài nguyên đến môi trường không thể xem nhẹ. Việc khai thác đất sét, đá vôi phục vụ sản xuất clinker đang gây ra tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và mất rừng nghiêm trọng. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng khan hiếm, các sáng kiến nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế như đá silicat canxi là loại khoáng sản không phát thải CO₂ khi nung đang được đẩy mạnh, mở ra hướng đi mới cho sản xuất xi măng không carbon.
Một yếu tố then chốt khác trong bài toán phát thải là clinker đây là thành phần chiếm tới hơn 90% lượng khí thải trong sản xuất xi măng. Việc cắt giảm sử dụng clinker là giải pháp bắt buộc. Một trong những công nghệ hứa hẹn là LC3 (xi măng đá vôi và đất sét nung), trong đó khoảng 50% clinker được thay thế bằng đá vôi và đất sét nung, giúp giảm phát thải CO₂ tới 40% so với xi măng thông thường. Ngoài ra, việc tái sử dụng vật liệu từ các công trình phá dỡ cũng đang được nghiên cứu nhằm sản xuất clinker “xanh”, ước tính có thể giúp giảm tới 3 tỷ tấn CO₂ mỗi năm.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là vấn đề bảo tồn tài nguyên nước, một khía cạnh ít được chú ý nhưng lại rất cấp thiết. Sản xuất xi măng tiêu tốn lượng nước lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước địa phương. Do đó, các nhà máy đang triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm và tái tạo nguồn nước như thu gom nước mưa, xử lý nước thải và phục hồi nguồn nước ngầm. Những sáng kiến này không chỉ giúp giảm mức tiêu thụ nước mà còn đóng góp vào bảo vệ hệ sinh thái địa phương.
Với một ngành vốn gắn liền với phát thải cao như xi măng, việc cam kết trung hòa carbon là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, nhờ vào lộ trình rõ ràng, sự đầu tư nghiêm túc và đổi mới công nghệ, ngành Xi măng Ấn Độ đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững. Những bài học từ hành trình này hoàn toàn có thể tham khảo và áp dụng cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam là nơi ngành Xi măng cũng đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi xanh mạnh mẽ trong thập kỷ tới.
Cem.Info