» Ngành Xi măng là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là trong các công đoạn sản xuất clinker - nơi sử dụng chủ yếu than và điện. Trong bối cảnh chi phí năng lượng ngày càng tăng, cùng áp lực giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm năng lượng không chỉ là giải pháp về chi phí mà còn là chiến lược sống còn đối với doanh nghiệp xi măng.
• Mời tham gia Chương trình đào tạo tiết kiệm năng lượng dành riêng cho ngành Xi măng
Trong bối cảnh chi phí năng lượng chiếm đến hơn nửa giá thành sản xuất, ngành Xi măng đang đối mặt với áp lực kép: giá đầu vào tăng mạnh, trong khi giá bán gần như không thể điều chỉnh. Từ đó, biên lợi nhuận bị bào mòn nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất xi măng. Do vậy, tiết kiệm năng lượng không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là xu hướng toàn cầu khi giảm phát thải và phát triển bền vững trở thành chuẩn mực mới.
Năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất
Theo thống kê từ các báo cáo ngành năm 2024, chi phí năng lượng (gồm điện, than, dầu...) chiếm từ 45 - 55% tổng giá thành sản xuất xi măng. Giá than nhập khẩu, giá điện tăng cao trong khi giá bán xi măng không thể tăng tương ứng đã làm biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị co hẹp nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng trong từng công đoạn như nghiền liệu, nung clinker, nghiền xi măng, vận chuyển… sẽ góp phần trực tiếp làm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả tài chính.
Giảm phát thải khí nhà kính - Xu hướng toàn cầu
Ngành Xi măng hiện chiếm khoảng 7 - 8% tổng lượng phát thải CO₂ toàn cầu. Việc giảm tiêu thụ năng lượng, đặc biệt từ nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa với giảm phát thải khí nhà kính. Điều này phù hợp với các yêu cầu quốc tế như hiệp định Paris và các mục tiêu tại COP29 về giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Các nhà máy xi măng đang tích cực lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư WHR.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào hệ thống thu hồi nhiệt thải để phát điện (WHR), hệ thống đồng xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế (RDF), giúp tiết kiệm hàng chục triệu kWh điện mỗi năm và thay thế đáng kể lượng than sử dụng.
Tối ưu hóa hiệu suất thiết bị và nâng cao năng lực cạnh tranh
Sử dụng các công nghệ tiên tiến như điều khiển tự động, hệ thống giám sát số hóa (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, từ đó phát hiện lãng phí năng lượng và khắc phục kịp thời.
Tính đến cuối năm 2024, đã có 36 dây chuyền lắp đặt WHR, tổng công suất phát điện hơn 256 MW và 15 dây chuyền áp dụng đồng xử lý chất thải với công suất đốt từ 5 - 20 tấn/giờ. Những nhà máy có công nghệ tiết kiệm năng lượng luôn có chi phí sản xuất thấp hơn, lợi nhuận tốt hơn và dễ thích ứng hơn trước biến động thị trường.
Tác động tích cực đến môi trường và xã hội
Tiết kiệm năng lượng giúp giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo, giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng là những yếu tố ngày càng được xã hội quan tâm. Ngoài ra, các doanh nghiệp đi đầu trong cải tiến năng lượng sẽ tạo được hình ảnh tích cực, nâng cao uy tín và khả năng huy động vốn từ các tổ chức tài chính xanh.
Tiết kiệm năng lượng - Hướng đi tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững
Với việc cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp xi măng buộc phải nâng cao năng suất và tối ưu chi phí. Tiết kiệm năng lượng không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc nếu muốn duy trì và phát triển lâu dài.
Tiết kiệm năng lượng là yếu tố cốt lõi để giảm chi phí, tăng hiệu quả, bảo vệ môi trường và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành Xi măng Việt Nam. Trong giai đoạn 2025 - 2030, để đáp ứng yêu cầu thị trường và các cam kết môi trường quốc tế, các doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng, đẩy mạnh đầu tư công nghệ mới, tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế và phát triển sản phẩm xi măng xanh.
Doanh nghiệp sản xuất xi măng phải làm gì để triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng?
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Xi măng nâng cao năng lực sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững, Bộ Công thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) triển khai Chương trình đào tạo tiết kiệm năng lượng dành riêng cho ngành Xi măng. Khoá đào tạo tiết kiệm năng lượng dành riêng cho ngành Xi măng được tài trợ 100% học phí với giảng viên là các chuyên gia đầu ngành. Nội dung chương trình đảm bảo chuyên sâu, cập nhật. Sau khoá học, học viên được cấp chứng nhận của Bộ Công thương.
Chương trình có sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin Xi măng (CIDC) và Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA); do Trung tâm Phát triển Sản xuất Sạch hơn (VNCPC) và Công ty CP Tiết kiệm Năng lượng Bách Khoa (ECCBachKhoa) tổ chức, được tài trợ 100% kinh phí, với nội dung chuyên biệt cho từng đối tượng học viên: lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ quản lý thiết bị - năng lượng và chuyên viên kỹ thuật.
Thông tin các khóa học
Đối tượng | Thời gian | Địa điểm | Ghi chú |
Lãnh đạo DN | Ngày 09/06/2025 (1 ngày) | Hà Nội | Quản lý chiến lược và định hướng đầu tư năng lượng hiệu quả. |
Cán bộ quản lý | Từ 24 - 27/06/2025 (4 ngày) | TP.HCM | Quản lý năng lượng, phát thải, tái tạo và tài chính dự án. |
Chuyên viên kỹ thuật | Từ 15 - 18/07/2025 (4 ngày) | Hà Nội | Vận hành, bảo trì, kiểm kê năng lượng và giảm phát thải. |
Mỗi doanh nghiệp có thể cử đại diện tham gia 1 hoặc cả 3 lớp (mỗi lớp 1 - 2 người). Khuyến khích sự tham gia của ứng viên nữ để tăng cường bình đẳng giới trong ngành công nghiệp.
⇒ Hãy nhanh tay đăng ký để nắm bắt cơ hội học tập, kết nối và phát triển bền vững trong ngành Xi măng! Số lượng có hạn – Ưu tiên đăng ký sớm.
Liên hệ đăng ký và nhận tư vấn:
• Đăng ký trực tiếp qua website: daotao.ximang.vn (sẽ có thư ký chương trình liên hệ để xác nhận)
• Đăng ký qua email: gamma@ximang.vn
• Đăng ký qua mobile: Ms.Chi: 0986 947 395
• Zalo hỗ trợ: Trung tâm Thông tin xi măng Gamma
• Hotline: 0905 329 019
» Chi tiết chương trình các khoá đào tạo, xin mời xem TẠI ĐÂY.
CIDC