Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, dự án đường giao thông, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4. Nhu cầu một số loại vật liệu phục vụ các dự án này cần số lượng lớn, chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ, đặc biệt như một số loại vật liệu rời (đá xây dựng, đất đắp, cát san lấp…) và phải nhập từ các tỉnh lân cận. Về lâu dài, cần có những nghiên cứu, định hướng phát triển các vật liệu thay thế, vật liệu xanh, bền vững.
Theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định, vật liệu xây dựng là yếu tố then chốt cho sự phát triển của mỗi quốc gia và địa phương. Đặc biệt, tại Thủ đô Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ thi công xây dựng các công trình ngày càng lớn, trong đó vật liệu xây dựng truyền thống khai thác từ nguồn khoáng sản từ tự nhiên ngày càng hạn chế.
Xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) thành vật liệu xây dựng không nung.
Việc sử dụng vật liệu tái chế như bê tông tái chế, gạch không nung hay thép tái chế không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các loại vật liệu này thường có khả năng chống chịu tốt hơn trước những biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực khác từ môi trường. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một thành phố đang phát triển nhanh như Hà Nội, nơi các công trình xây dựng phải đối mặt với nhiều thách thức về độ bền và an toàn.
Để thúc đẩy sự phát triển của vật liệu xây dựng tái chế, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ. Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nhận định rằng sự phát triển của ngành Vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu tái chế, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và chính quyền, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành Vật liệu mới, theo ông Phạm Văn Bắc, cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm vật liệu mới; đổi mới cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ theo hướng giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với các đề tài, dự án cấp bộ, cấp Nhà nước; làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm vật liệu mới; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ công nghệ trong các doanh nghiệp vật liệu; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập, tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất các vật liệu xây dựng mới từ các quốc gia phát triển…
ximang.vn (TH)