» Chính phủ Myanmar sẽ cấp hơn 5 triệu bao xi măng để hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua. Việc phân phối xi măng sẽ được thực hiện tại 54 huyện thuộc 8 vùng, tiểu bang bao gồm cả vùng lãnh thổ Liên bang Nay Pyi Taw.
Sau thiên tai, nhu cầu về vật liệu xây dựng tại Myanmar tăng cao, đặc biệt tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng do trận động đất. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và ngành Xi măng Myanmar đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, giảm chi phí cho người dân và phục hồi nhanh cơ sở hạ tầng. Việc cấp phát hơn 5 triệu bao xi măng là một trong những biện pháp quy mô lớn, phản ánh rõ vai trò then chốt của ngành Xi măng nước này trong công cuộc tái thiết sau thiên tai.
Tại cuộc họp điều phối lần thứ 3 của Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Myanmar, tổ chức ngày 01/07/2025, Tổng Cục trưởng Bộ Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư cho biết, số xi măng nói trên sẽ được trích từ Quỹ Quản lý thiên tai quốc gia để phục vụ việc sửa chữa nhà cửa cho người dân. Đây là một phần trong kế hoạch phục hồi sau trận động đất ngày 28/3 gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều khu vực tại Myanmar.
Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Myanmar cho biết, Hiệp hội sẽ phối hợp với các nhà máy xi măng trong nước nhằm giảm chi phí vận chuyển và đưa xi măng đến gần người tiêu dùng hơn. Các hội chợ bán hàng sẽ được tổ chức tại Nay Pyi Taw và Mandalay để người dân dễ dàng tiếp cận và mua xi măng phục vụ xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ chủ động phối hợp sản xuất và phân phối tại 8 vùng, tiểu bang bị ảnh hưởng khi cần thiết.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Myanmar, Dr. Charlie Than cho biết, ông đã trực tiếp đến khảo sát các nhà máy sản xuất xi măng bị ảnh hưởng bởi động đất. Mục tiêu là đánh giá mức độ hư hại, xác định nhu cầu thiết bị, phụ tùng và nguyên liệu, từ đó hỗ trợ các đơn vị sớm quay lại hoạt động sản xuất bình thường... Ông cũng đề nghị các nhà máy và Hiệp hội chủ động báo cáo những khó khăn gặp phải để Bộ có phương án hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Myanmar cũng nêu rõ các thách thức hiện tại mà ngành Xi măng đang đối mặt, từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Ông đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ của các Bộ, ngành, đồng thời kêu gọi tiếp tục phối hợp để đảm bảo chuỗi cung ứng xi măng được duy trì ổn định. Đại diện Cục Hợp tác Công nghiệp đề xuất các phương án chuyển giao công nghệ sản xuất xi măng, nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất.
Cem.Info