Ngày 13/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn thể Hiệp hội Xi măng Việt Nam. Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng); ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp trong ngành Xi măng.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Theo Báo cáo Tổng quan ngành Xi măng Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 57 nhà máy xi măng với 81 dây chuyền sản xuất (lò quay) đang hoạt động, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 105,32 triệu tấn xi măng/năm. Sản lượng xi măng của Việt Nam đứng thứ 3 Thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Năm 2021 vừa qua, toàn ngành tiêu thụ khoảng 108,41 triệu tấn bao gồm cả xi măng và clinker. Tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa đạt 62,71 triệu tấn. Sản lượng clinker xuất khẩu khoảng 28,89 triệu tấn và xi măng là 16,81 triệu tấn. Tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 4,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD.
Trong năm vừa qua chỉ có duy nhất 1 dây chuyền 4 nhà máy Xi măng Thành Thắng có công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm được đầu tư mới đi vào vận hành sản xuất.
Về vấn đề tái sử dụng nhiệt thải lò nung clinker để phát điện, đến thời điểm hiện tại chỉ có 25/59 dây chuyền lắp đặt hệ thống phát điện tái sử dụng khí thải lò nung. Vẫn còn hơn 30 dây chuyền cần hoàn thành đầu tư, vận hành hệ thống sử dụng nhiệt thải phát điện (WHR) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Hạn cuối là năm 2025, theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 18/8/2020.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành sản xuất xi măng phải đạt tỷ lệ sử dụng các chất thải công nghiệp làm nguyên liệu, phụ gia thay thế, giảm tiêu hao năng lượng, đảm bảo mức độ phát thải theo quy định. Hiện tại đã có một số nhà máy xi măng đang nghiên cứu, ứng dụng việc sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế. Nhưng về lâu dài, các nhà máy cần xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải và tái sử dụng chất thải, rác thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế.
Tại Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại của ngành Xi măng trong thời gian qua như giá than, xăng, dầu, chi phí vận tải tăng cao; phân bố tài nguyên không đồng đều, khai thác khoáng sản chưa tương xứng với nhu cầu; năng lực sản xuất vượt xa so với nhu cầu trong nước; đầu tư công nghệ còn chậm…
Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, mục tiêu phát triển ngành Xi măng tại Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam là đảm bảo cân đối cung cầu; đầu tư nhà máy phải gắn liền với vùng nguyên liệu; sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường.
Về phương diện xuất khẩu, Chiến lược cũng chỉ rõ, đối với giai đoạn 2021 - 2030: hạn chế xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng CSTK; tiếp tục hạn chế xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 20% tổng CSTK trong giai đoạn tiếp theo 2031 - 2050.
Khuyến khích việc sử dụng tối đa tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và phụ gia trong sản xuất xi măng.
Hội nghị cũng dành thời gian trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ và môi trường, cũng như những vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các doanh nghiệp xi măng hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển.
ximang.vn