Với sự hỗ trợ từ chính sách, nhiều người kỳ vọng gạch không nung sẽ dần có chỗ đứng ở thị trường trong nước và được sử dụng rộng rãi hơn tại các công trình. Tuy nhiên, thực tế chưa như kỳ vọng.

Phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng hiện đại. Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, đến năm 2020 vật liệu không nung chiếm 40% sản lượng vật liệu xây dựng.
Theo quy định, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung từ đầu năm 2016, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung cùng thời điểm và sau năm 2018 phải sử dụng 100%.
Năm 2016, trên địa bàn TP. HCM mới chỉ có 179 dự án, công trình sử dụng vật liệu xây không nung. Một số loại vật liệu xây không nung đòi hỏi cách thi công, dụng cụ mới nên công nhân chưa quen và nhiều nhà thầu e ngại.
Trên thế giới, ở các nước phát triển, vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng là vật liệu không nung cho các công trình khác nhau, gạch đất sét nung chỉ chiếm 10 - 15% sản lượng vật liệu xây dựng. Tại các nước châu Á, thị phần của sản phẩm bê tông khí chưng áp chiếm khoảng 40 - 45%, còn lại là các vật liệu không nung khác. Việc sử dụng gạch bê tông nhẹ thay cho gạch đất sét nung cho công trình nhà cao tầng tiết kiệm khoảng 4,6% tổng chi phí đầu tư thô cho toàn bộ tòa nhà.
Việc sử dụng gạch bê tông nhẹ thay cho gạch đất nung đem lại lợi ích kinh tế khá lớn: đối với công trình 9 tầng, có thể giảm 20% phản lực đầu cọc giúp giảm chiều dài cọc móng, giảm 25% khối lượng thép cột, giảm 10% khối lượng thép dầm; Đặc biệt, hiệu quả cao đối với công trình trên nền đất yếu.
Tuy nhiên, lợi thế thì doanh nghiệp nào cũng hiểu mà thực tế việc thực thi các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất gạch không nung còn khá nhiều hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí, khi các doanh nghiệp đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, làm các thủ tục để được hỗ trợ thì doanh nghiệp phải tự mày mò nghiên cứu, phải “chạy vạy” nhiều lần giữa các cơ quan liên quan.
Thêm một khó khăn nữa chính là vấn đề vốn. Để đầu tư một nhà máy sản xuất gạch không nung đạt công suất 50 triệu viên/năm cần hơn 100 tỷ đồng. Số tiền này khá lớn đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành vật liệu xây dựng. Do đó, doanh nghiệp cần Nhà nước có những hỗ trợ kịp thời về vốn vay lãi suất ưu đãi để đầu tư cho sản xuất, cần có chính sách ưu đãi thuế đối với việc tiêu thụ gạch không nung. Đồng thời, cũng cần sớm có những chế tài mạnh đối với việc xóa bỏ các lò gạch nung thì mới tạo ra môi trường thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Quỳnh Trang (TH)