
Doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh nhất trong quý 4/2024 gọi tên Xi măng Sài Sơn (UPCoM: SCJ) với lợi nhuận ròng gần 5 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Quý trước đó, đây là doanh nghiệp duy nhất có lãi tăng trưởng. Xi măng Sài Sơn cho biết, do nhà máy hoạt động ổn định, chi phí lãi vay giảm nhờ doanh nghiệp đã trả vốn trung hạn. Đồng thời, Xi măng Sài Sơn đã tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá để bán hết sản phẩm, tăng độ phủ trên thị trường khiến lợi nhuận tăng. Cả năm 2024, Xi măng Sài Sơn lãi gần 13 tỷ đồng, tăng 61% và là năm có lãi ròng cao nhất kể từ 2015. So với kế hoạch năm, Xi măng Sài Sơn vượt 13%.
Với chu kỳ kinh doanh quý cuối năm là giai đoạn thu lãi về nhiều nhất, Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI (HNX: CLH) lãi ròng hơn 21 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, tăng 23%, cao nhất trong 12 quý qua (từ quý 1/2022). Cả năm, Xi măng La Hiên lãi gần 39 tỷ đồng, giảm 18%.
Công ty CP Xi măng Yên Bình (UPCoM: VCX) cũng có quý kinh doanh ấn tượng khi lãi hơn 14 tỷ đồng, tăng 19%, đây là quý có kết quả kinh doanh cao nhất trong 28 quý qua (từ quý 1/2018). Cũng lưu ý rằng, kể từ năm 2020, quý 4 thường là mùa kinh doanh lãi đậm nhất trong năm của Xi măng Yên Bình do sản lượng bán hàng quý cuối năm tăng nên doanh thu tăng.
Mặt khác, Xi măng Yên Bình đã thúc đẩy sản xuất, giảm tiêu hao nên sản lượng sản xuất tăng. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu đầu vào chính như than, thạch cao, cước vận chuyển đều giảm và chi phí sửa chữa lớn cũng giảm so với cùng kỳ nên giá thành sản xuất sản phẩm giảm, góp phần đưa lợi nhuận tăng.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp xi măng trong quý 4/2024
(ĐVT: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Trong khi đó, lợi nhuận ròng của Công ty CP Xi măng
VICEM Hà Tiên (HOSE: HT1) giảm hơn 60%, còn khoảng 21 tỷ đồng. VICEM Hà Tiên cho biết, tình trạng dư thừa nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp xi măng về giá bán và chính sách bán hàng nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ, mở rộng thị phần khiến lợi nhuận sụt giảm. Dẫu vậy, VICEM Hà Tiên vẫn lãi ròng 65 tỷ đồng trong năm 2024, gấp 3,6 lần năm trước. Trên nền kế hoạch thấp, VICEM Hà Tiên vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm (hơn 23 tỷ đồng).
Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) lãi hơn 41 tỷ đồng trong quý 4 (cao nhất trong 10 quý qua, kể từ quý 3/2022), cùng kỳ lỗ kỷ lục gần 86 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Xi măng Bỉm Sơn vẫn lỗ hơn 6 tỷ đồng. Năm 2023 lỗ kỷ lục hơn 227 tỷ đồng.
Lỗ nặng nhất trong các doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ
VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) khi lỗ gần 76 tỷ đồng trong quý 4/2024. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp này. Cả năm, VICEM Bút Sơn tiếp tục lỗ ròng gần 198 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 288 tỷ đồng.
Công ty CP Xi măng VICEM Hoàng Mai (HNX: HOM) cho biết, dù quý 4/2024 là thời điểm đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, ngành Xi măng vẫn đối mặt khó khăn do nguồn cung xi măng cao, thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục cạnh tranh khốc liệt về giá, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất… Thị trường xuất khẩu xi măng, clinker gặp khó khăn do giá thấp, nhu cầu chất lượng xi măng nâng cao khiến doanh nghiệp lỗ ròng 16 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, VICEM Hoàng Mai tiếp tục lỗ ròng 67 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế lên hơn 92 tỷ đồng.
Cả năm 2024, có 5 doanh nghiệp đạt doanh thu trên ngàn tỷ đồng gồm VICEM Hà Tiên, VICEM Bỉm Sơn, VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Mai và Xi măng Sài Sơn. Trong đó, VICEM Hà Tiên có lãi tăng mạnh nhất, tiếp đến là Xi măng Sài Sơn, 3 doanh nghiệp còn lại tiếp tục lỗ.
ximang.vn (TH/ VietstockFinance)