» Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng duy trì đà sản xuất tăng so với cùng kỳ như: xi măng, gạch xây dựng, sắt thép... Theo nhận định của các doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, đầu tư công được đẩy mạnh cùng với những chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản sẽ là động lực để ngành Vật liệu xây dựng nói chung tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2024. Cùng với đó, giá vật liệu xây dựng thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 10 - 15% so với thời điểm đầu năm, cũng là yếu tố tác động tích cực đến sức tiêu thụ trên thị trường.

Từ đầu năm đến nay, ngành sản xuất xi măng trong nước tiếp tục đối diện nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ thấp, cạnh tranh về giá bán ngày càng gay gắt hơn. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp tái cấu trúc hoạt động, tiết giảm chi phí, giảm giá thành và khai thác, mở rộng thị trường, 7 tháng năm 2024, các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn sản xuất đạt khoảng 10,7 triệu tấn, tăng 5%; xuất khẩu đạt gần 1 triệu tấn, tăng 25,9% so với cùng kỳ.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Long Sơn cho biết, chúng tôi có kế hoạch sản xuất năm 2024 là tăng trưởng từ 3 - 5% so với năm 2023; đưa ra các giải pháp tiết kiệm chi phí, mở thêm kênh đại lý để gia tăng sản lượng; đối với xuất khẩu, tiếp tục tìm thêm thị trường mới.
Cùng với việc củng cố thị trường trong nước, Công ty Xi măng Long Sơn đã mở rộng xuất khẩu được sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Philippines, Australia… Đại diện doanh nghiệp cho biết, nhu cầu của thị trường đang tăng trưởng trở lại nhưng vẫn còn chậm. Cạnh tranh về giá bán đang là thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để khai thác và mở rộng thị trường trong nửa cuối năm 2024.
ximang.vn (TH/ TH Thanh Hóa)