» Giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/m³, tăng mạnh so với năm trước và khan hiếm nguồn cung. Tình trạng này đang khiến các doanh nghiệp xây dựng lẫn người dân gặp nhiều khó khăn trong triển khai công trình.
Cát xây dựng hiện là một trong những nguyên liệu chịu áp lực lớn nhất về giá và nguồn cung. Ghi nhận tại Thanh Hóa cho thấy nhiều công trình thi công bị ảnh hưởng, chi phí xây dựng tăng mạnh, trong khi việc mua cát ngày càng khó khăn. Tình trạng này đặt ra nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Doanh nghiệp đối mặt với chi phí đội vốn và tiến độ bị đe dọa
Nhiều nhà thầu xây dựng tại Thanh Hóa đang chịu sức ép lớn do giá vật liệu xây dựng tăng nhanh từ đầu năm 2025, đặc biệt là cát. Giá cát xây dựng lên đến 450.000 đồng/m³, cát trát 500.000 đồng/m³, tăng khoảng 200% so với năm 2024. Dù giá cao, nguồn cung lại không dồi dào, buộc các đơn vị phải đặt lịch trước mới mua được.
Giá cát tăng cao, việc thi công nhiều công trình xây dựng gặp khó khăn.
Do phần lớn công trình theo hình thức hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải tự gánh khoản chi vượt so với dự toán, ước tính tăng thêm từ 15 - 20%. Một số đơn vị vẫn nỗ lực bám sát tiến độ cam kết, tuy nhiên cũng có nhiều công trình buộc phải giãn, thậm chí tạm dừng vì không đủ nguyên liệu thi công. Tình trạng khan hiếm nguồn cung cát cùng các vật liệu như đá xây dựng, đất đắp, đá bây khiến việc triển khai dự án giao thông, dân dụng và hạ tầng đô thị gặp khó khăn diện rộng.
Một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như bê tông thương phẩm, gạch không nung, cống thoát nước… cũng đang trong trạng thái bị động. Giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 30 - 40% khiến giá thành sản phẩm tăng theo, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ và gây áp lực lên việc duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Người dân xây nhà phải tính toán lại toàn bộ chi phí
Nhiều người dân tại Thanh Hóa chia sẻ rằng, việc xây nhà trong năm 2025 gặp nhiều trở ngại vì chi phí đội lên quá cao. Đặc biệt, cát không chỉ tăng giá mà còn khan hiếm, phải đặt trước hàng chục ngày mới có xe giao. Một số gia đình chuyển sang mua cát từ các tỉnh lân cận như Nghệ An để tiết kiệm chi phí, nhưng đến thời điểm này giá cũng đã tăng lên ngang bằng cát trong tỉnh.
Tổng chi phí xây nhà của nhiều hộ dân đã vượt ngoài dự toán ban đầu, có trường hợp phải điều chỉnh ngân sách thêm vài trăm triệu đồng. Không ít gia đình phải vay ngân hàng hoặc huy động từ nhiều nguồn mới đủ để hoàn thiện công trình đúng thời gian mong muốn.
Tuy có những trường hợp thuận lợi hơn khi chủ nhà có mối quan hệ với đơn vị cung cấp vật liệu, giúp đảm bảo nguồn cung cát ổn định trong quá trình thi công, nhưng nhìn chung, giá vật liệu xây dựng tăng vẫn khiến tổng chi phí xây dựng bị đội lên đáng kể, ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của nhiều hộ.
Theo ghi nhận, một trong những nguyên nhân chính khiến giá cát tăng cao là do nhiều mỏ trên địa bàn tỉnh đang tạm dừng khai thác vì lý do pháp lý, thủ tục môi trường hoặc chưa hoàn tất hồ sơ nâng công suất. Nguồn cung giảm mạnh đã tạo điều kiện cho tình trạng đầu cơ, găm hàng và thao túng giá trên thị trường.
Để tháo gỡ, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ cấp phép, đặc biệt với các dự án khai thác, mở rộng mỏ cát. Việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép được kỳ vọng sẽ góp phần bình ổn thị trường và giảm bớt áp lực cho các chủ đầu tư, nhà thầu và người dân trong thời gian tới.
Cem.Info