>> Vật liệu xây dựng rục rịch tăng giá theo cước vận tải
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Công ty Xi măng Nghi Sơn cho biết, công ty đang thuê Công ty Thương mại Thành An vận chuyển 100.000 tấn xi măng cho dự án Lạch Huyện (Hải Phòng). Tuy nhiên, mới đây Công ty đã nhận được đề nghị tăng cước vận tải lên gấp 3 lần từ phía Công ty thương mại Thanh An.
Cũng thực hiện việc vận chuyển Xi măng Nghi Sơn cho dự án trọng điểm cầu Nhật Tân (Hà Nội), bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Nội cho hay, trước đây, giá cước vận chuyển xi măng Nghi Sơn từ Thanh Hóa đến cầu Nhật Tân khoảng 250.000 đồng/tấn. Với việc phải chở đúng tải giá cước phải thay đổi, tăng lên mức khoảng 550.000 - 600.000 đồng/tấn.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Tổng công ty Xi măng Việt Nam nêu: “Vận chuyển xi măng bằng đường bộ xe vận tải chạy quá tải mới có lời. Bây giờ chở đúng tải, cước phí vận chuyển chắc chắn bị đội lên thì nhà sản xuất, nhà phân phối chịu như thế nào để đưa ra một giá hợp lý chứ không phải là tăng giá. Chúng tôi đang chờ phản hồi từ nhà máy về và Tổng Công ty sẽ phải có cuộc họp riêng về vấn đề này”.

Nhiều doanh nghiệp xi măng lựa chọn loại hình vận tải đường sắt, đường thủy thay thế cho đường bộ từ trước đến nay.
Sau hơn 2 tuần thực hiện cân xe trên toàn quốc, giá cước vận tải hàng hóa đường bộ có nơi tăng gấp đôi, hàng hóa ứ đọng tại nhiều nơi. Theo phản ánh của DN vận tải thì mới chỉ có 37 tỉnh thành áp dụng xử phạt gắt gao xe quá tải, còn có nhiều tỉnh thành chưa thực hiện. Lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã có ý kiến “Đề nghị Bộ GTVT đã cân thì phải cân đồng bộ, nghiêm khắc, dẹp hết các xe lách luật để tạo ra một môi trường công bằng”.
Trước tình hình giảm tai, giá cước tăng như hiện nay, các doanh nghiệp đã tính đến vận chuyển bằng nhiều loại hình vận tải khác. Ví dụ như trước đây mía đường vận tải bằng đường bộ rất nhiều thì bây giờ đã kết nối với đường thủy. Than trước đây vận chuyển nhiều bằng ô tô, bây giờ kết nối hợp với đường thủy để vận chuyển. Ngành xăng dầu cũng vậy, kết hợp vận tải đường thủy vì vận tải ven bờ rất phát.
Lãnh đạo của ngành đường sắt cho rằng đây là cơ hội “trời cho” trong tình cảnh toa xe, tuyến tàu lâu nay ế ẩm. Tuy nhiên, khi cơ hội đến, lại gặp không ít trỏ ngại do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đem lại. Với đường biển, đường sông những ngày qua hàng hóa vận chuyển cũng gia tăng khá lớn và gặp vấn đề ách tắc tương tự.
Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vận tải cho biết, giá cước đường sắt chỉ bằng 30-50% so với đường bộ; đường thủy nội địa bằng 25-40%, đường biển chỉ bằng 15-20% đường bộ. Nhưng chi phí và thời gian trung chuyển hàng hóa giữa các phương thức còn quá cao so với chi phí vận tải. Đây cũng là lý do từ trước đến nay vận tải đường bộ luôn được ưu tiên lựa chon.
Do vậy Bộ GTVT muốn các doanh nghiêp thực hiện nghiêm túc vấn đề này thì cần có giải pháp đồng bộ giữa các ban ngành liên quan cùng nhau hỗ trợ tháo gỡ tìm ra hướng giải quyết triệt để cho các doanh nghiệp.