Doanh nghiệp ngại đầu tư lớn
Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, hạ chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng VLXKN hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, chủ yếu do vướng cơ chế, chính sách. Thêm vào đó, chưa có chế tài và biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế, tiến tới dần xóa bỏ tình trạng khai thác và sử dụng nguyên liệu sản xuất gạch nung tràn lan như hiện nay.
Xưởng sản xuất của Công ty CP Module 9.
Giám đốc Công ty CP Module 9 Đỗ Văn Hải, đơn vị chuyên sản xuất các loại VLXKN cho biết, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động với năng suất từ 60.000 viên/ngày - 8 tiếng làm việc. Đây là loại dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động hoàn toàn từ khâu nạp liệu đến khi ra thành phẩm. Thế nhưng, gạch đất nung vẫn đang phát triển khó kiểm soát, giá thành nguyên liệu rẻ… nên để có thể cạnh tranh và đặt chân vào thị trường, buộc gạch không nung phải có giá bán thấp hơn so với giá thành.
Điều này dẫn đến lượng tồn kho của nhà máy gạch không nung rất lớn, các doanh nghiệp đều sản xuất cầm chừng. Cùng với việc đầu ra ngành Xây dựng, bất động sản đóng băng, nhiều dự án không triển khai hoặc dừng lại khiến nhiều nhà máy càng phải giảm công suất; đồng thời phải cắt giảm nhân sự, cố gắng duy trì hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của các công trình xây dựng để tránh sản xuất tràn lan, ông Đỗ Văn Hải cho biết.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch không nung cho biết, việc không dám đầu tư mở rộng dây chuyền vì nguồn vốn hạn chế, phần lớn chỉ nhập dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Nghiêm trọng hơn, mặc dù có quy định rõ ràng các công trình nào thì xây bằng gạch không nung nhưng nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chịu phạt để không phải sử dụng.
Học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài
Theo các chuyên gia, nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển VLXKN, Nhà nước cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn, thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho việc phát triển loại vật liệu thân thiện này dần thay thế vật liệu nung truyền thống.
Điển hình như Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung ở 170 thành phố từ năm 2003, các doanh nghiệp sản xuất VLXKN được miễn thuế VAT cho sản xuất gạch bê tông nhẹ. Thái Lan không ban hành chính sách khuyến khích vật liệu không nung nhưng quản lý chặt việc sử dụng đất đai, do đó vật liệu nung có giá cao hơn rất nhiều vật liệu không nung.
Bên cạnh đó, yếu tố thị trường điều tiết khiến công nghiệp vật liệu không nung ở Thái Lan rất phát triển, như bê tông nhẹ đã có cách đây 10 năm. Tại Ấn Độ, gạch không nung đang có xu hướng trở thành vật liệu phổ biến thứ hai sau gạch nung, chiếm khoảng 24% tổng vật liệu xây dựng.
Tại các nước phát triển, vật liệu không nung chiếm khoảng 60% tổng vật liệu xây dựng, gạch đất sét nung chỉ chiếm khoảng 10 - 15%. Tại Mỹ, những chương trình xây dựng xanh đang có chiều hướng tăng với tốc độ đáng kể do chính sách ưu đãi và khuyến khích của chính quyền địa phương và liên bang, có tới 1/3 các công trình xây dựng thương mại mới là các công trình xanh, hoàn toàn xây dựng bởi vật liệu thân thiện với môi trường như VLXKN.
Trước những khó khăn của VLXKN, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Phạm Văn Bắc cho biết, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Chương trình 2171 về phát triển VLXKN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Đồng thời tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Dự báo năm 2030, nhu cầu vật liệu xây dựng của nước ta vào khoảng 50 tỷ viên gạch. Nếu đáp ứng được nhu cầu này 90% gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng trên 60 triệu mét khối đất sét, tương đương 3.000 - 3.200ha đất nông nghiệp; tiêu tốn khoảng 5,8 - 6,2 triệu tấn than, đồng thời thải ra khoảng 20 triệu tấn khí CO2.
Lãnh đạo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị, cần rà soát và bổ sung các văn bản, hành lang pháp lý cho việc sử dụng VLXKN, đặc biệt lưu ý đến lộ trình xóa bỏ lò công nghệ lạc hậu. Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương Mại Nam Việt Lê Văn Chung nhìn nhận, để áp dụng VLXKN vào những công trình của Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành cần bổ sung định mức đơn giá xây dựng, trong đó có những chi phí vật liệu đi kèm để xây dựng một quy trình thanh toán cho loại vật liệu này khi đang khó tìm kiếm được thị trường tiêu thụ hơn các sản phẩm truyền thống.
ximang.vn (TH/ KTĐT)