» Giá nhiều loại vật liệu xây dựng như thép, cát, đá đang đồng loạt tăng mạnh tại Hưng Yên và các tỉnh lân cận, gây áp lực lớn đến chi phí thi công, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ nhiều công trình. Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi sau thời gian trầm lắng, thị trường vật liệu đang đứng trước thách thức về cân đối cung - cầu và kiểm soát chi phí đầu vào.
Thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và các khu vực lân cận đang ghi nhận những biến động đáng chú ý trong thời gian gần đây. Giá nhiều loại vật liệu chủ lực như thép, cát xây dựng, đá xây dựng đồng loạt tăng, ảnh hưởng rõ rệt đến tiến độ thi công và chi phí đầu vào của các hoạt động xây dựng, từ các dự án dân dụng đến công trình hạ tầng và đầu tư công.
Tháng 4, giá thép xây dựng bình quân đã tăng từ 1,44 - 1,90% so với tháng trước. Song song đó, giá cát xây dựng và đá xây dựng cũng tăng nhẹ, từ 0,27 - 1,3%. Đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại trong tháng 5, khi nhiều điểm bán ghi nhận mức điều chỉnh giá mạnh ở các mặt hàng chủ lực.
Tại huyện Khoái Châu, giá cát vàng hiện ở mức 850.000 - 900.000 đồng/m³, tăng khoảng 63% so với chỉ một tuần trước. Cát đổ nền từ mức 180.000 đồng/m³ đã lên 250.000 - 300.000 đồng/m³. Một số khu vực ghi nhận tình trạng khan hàng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Giá thép tiếp tục leo thang, với mức tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với đầu năm. Thép xây dựng phổ biến hiện dao động trong khoảng 18.000 - 18.300 đồng/kg. Đáng chú ý, lượng hàng nhập về tại các cửa hàng chỉ đạt khoảng 3 tấn/ngày, giảm tới 80 - 90% so với cuối năm 2024, đặc biệt thiếu hụt các loại thép phi 10 là loại thép thường dùng trong kết cấu móng và mái.
Vật liệu xây dựng tăng giá và khan hiếm tạo áp lực chi phí cho người dân khi xây dựng nhà ở.
Nguyên nhân chính dẫn đến biến động giá là do cung - cầu chưa cân đối. Sau giai đoạn trầm lắng, nhu cầu xây dựng tăng nhanh trở lại trong khi năng lực cung ứng vật liệu, logistics và sản xuất chưa phục hồi tương xứng. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao, tạo thêm áp lực cho thị trường. Việc giá vật liệu tăng mạnh đang khiến nhiều công trình phải điều chỉnh thiết kế, lùi tiến độ hoặc gia tăng tổng mức đầu tư. Các nhà thầu xây dựng chịu sức ép lớn trong kiểm soát chi phí. Với một số dự án, riêng chi phí thép đã chiếm khoảng 15 - 20% tổng giá trị đầu tư, chưa kể đến các vật liệu khác như xi măng, cát, gạch, đá...
Tình trạng thiếu hàng cũng ảnh hưởng đến khâu phân phối. Dù nhu cầu cao, nhiều đơn vị cung ứng không thể đáp ứng đủ khối lượng, làm gián đoạn hoạt động thi công và giao hàng. Việc giao hàng chậm hoặc điều chỉnh giá liên tục đặt ra thách thức trong việc đảm bảo tiến độ và uy tín hợp đồng. Không chỉ khu vực tư nhân, các dự án sử dụng vốn đầu tư công cũng bị ảnh hưởng khi đơn giá xây lắp thực tế vượt xa so với định mức trong dự toán ban đầu. Điều này khiến chủ đầu tư phải tính toán lại phương án tài chính, đồng thời làm chậm tiến độ giải ngân và triển khai hạ tầng.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có giải pháp ổn định thị trường vật liệu xây dựng. Trong đó, việc cập nhật đơn giá xây dựng theo thực tế thị trường là điều cần thiết để hạn chế rủi ro đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng, ngăn chặn hành vi găm hàng, thao túng giá; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tăng công suất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Trong thời gian chờ các chính sách bình ổn phát huy hiệu quả, từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến đơn vị thi công đều phải chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch hoạt động để thích ứng với biến động giá vật liệu. Bài toán chi phí trong xây dựng đang trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, thị trường và nội lực của doanh nghiệp.
ximang.vn (TH/ Báo Hưng Yên)