» Vừa qua, nhiều đại lý và doanh nghiệp bán lẻ cát tại TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) thông báo giá cát xây dựng tăng thêm, lên mức 800.000 – 900.000 đồng/m³. Tại một số khu vực như Tuy Đức, Đắk R’lấp, giá đã vượt 1 triệu đồng/m³, tăng gần 100% so với trước.
Không chỉ ở Đắk Nông, tại Đắk Lắk, giá cát xây dựng hiện cũng dao động từ 500.000 - 550.000 đồng/m³, tăng gấp đôi so với một tháng trước. Theo các đại lý, nguyên nhân chính là do nguồn cung từ các mỏ cát trên địa bàn huyện Krông Nô giảm mạnh. Nhiều mỏ tạm dừng khai thác hoặc bán nhỏ giọt với lý do hết hàng, phương tiện hư hỏng hoặc đang chờ hoàn tất đăng kiểm. Khảo sát cho thấy lượng cát cung ứng hiện chỉ đạt 20 - 30% so với bình thường. Nhiều bãi cát tại các xã Đắk Nang, Quảng Phú, Buôn Choáh, Nâm N’Đir (Đắk Nông) đã đóng cửa hoàn toàn trong suốt một tuần.
Chính quyền địa phương cho biết không nhận được thông báo chính thức nào về việc ngừng khai thác. Người dân hỏi mua mà không có, buộc phải tìm đến các nguồn xa hơn với chi phí vận chuyển rất cao, ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú (Đắk Nông) cho biết.
Tình trạng khan hiếm đẩy nhiều doanh nghiệp xây dựng vào thế khó. Nếu tình trạng này kéo dài, đến mùa mưa dù có cát cũng không xây được, anh Lê Văn Tuấn, chủ doanh nghiệp xây dựng ở Gia Nghĩa chia sẻ. Tại Đắk Lắk, một doanh nghiệp đang triển khai 5 công trình thì cả 5 đều phải tạm dừng vì không có cát, trong khi giá đã tăng gần 80%. Một số dự án công vì vậy có nguy cơ chậm tiến độ, dẫn đến bị xử phạt hợp đồng. Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng lan rộng. Các cửa hàng vật liệu cho biết cát tăng giá nhưng cũng không có hàng, xi măng, thép, đá vì thế cũng bán chậm do người dân tạm hoãn sửa nhà.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, ngoài nguyên nhân do phương tiện khai thác hết hạn đăng kiểm, mực nước sông xuống thấp cũng làm việc hút cát gặp khó khăn. Tuy nhiên, hiện tượng này là theo mùa và chưa từng gây ra biến động giá mạnh như hiện nay. Một số ý kiến nghi ngờ có tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm giả để đẩy giá.
Hiện toàn tỉnh Đắk Nông chỉ có 7 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô với tổng công suất hơn 180.000m³/năm. Nguồn cung cát gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến sông này. Lượng nhập từ các địa phương khác như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng. Trước tình hình này, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát trên địa bàn để đảm bảo minh bạch và ổn định thị trường.
Trong khi đó, nhiều công trình trọng điểm đang đứng trước nguy cơ đình trệ. Ban quản lý dự án thành phần 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cho biết hiện cần khoảng 400.000m³ cát nhưng chưa có nguồn cung ổn định. Nhiều công trình tại TP. Buôn Ma Thuột, Ea Kar… cũng đang chậm tiến độ vì thiếu cát. Sở Nông nghiệp và Môi trường của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang phối hợp kiểm tra thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm khôi phục nguồn cung và bình ổn thị trường vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
ximang.vn (TH/ TTO)