
Công ty Cổ phần xi măng Sông Thao được thành lập năm 2003 với 3 cổ đông sáng lập là: Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD HOLDINGS); Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA); Công ty cổ phần xi măng Phú Thọ, trong đó Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị là cổ đông chi phối. Sau một thời gian khẩn trương thực hiện đầu tư, ngày 22 tháng 11 năm 2010 Nhà máy Xi măng Sông Thao đã được cắt băng khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy xi măng Sông Thao có công suất 2.500 tấn Clinker/ngày, Sản phẩm chính là xi măng Pooclăng hỗn hợp PCB40 với chất lượng Clinker đạt dư mác Cpc50. Hiện nay Công ty đang nghiên cứu để sản xuất Xi măng PC50, Sau một thời gian chính thức đi vào hoạt động đến nay công suất của nhà máy đã đạt 100% theo thiết kế, đặc biệt chất lượng Xi măng rất ổn định bởi vậy sản phẩm Xi măng Sông Thao được thị trường đón nhận và tin dùng. Thương hiệu Xi măng Sông Thao đã khẳng định được vị thế trên thị trường so với các dòng sản phẩm cùng loại.
Cùng với các nhà máy xi măng khác, Xi măng Sông Thao đã cùng làm nên thành công của ngành công nghiệp Xi măng hiện nay, đưa ngành Xi măng trở thành ngành kinh tế then chốt, góp phần vào công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, ngành Xi măng nói chung và Xi măng Sông Thao nói riêng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu hụt lượng điện năng phục vụ sản xuất. Đây cũng đang là vấn đề được các nhà khoa học, các nhà đầu tư cũng như lãnh đạo các cấp quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ.
Đứng trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách rất cụ thể và chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện chính sách tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực môi trường, nhất là các hoạt động thu gom, tái chế, sử dụng lại nguồn nhiệt thải. Một thực tế nữa hiện nay đó là nền Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng nhiều, trong khi nguồn cung cấp điện đang thiếu hụt rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật sử dụng nguồn nhiệt thải để phát điện trong ngành Xi măng là việc làm cần thiết và hiệu quả. Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có các văn bản chỉ đạo về chương trình tận dụng nhiệt khí thải phát điện đối với các nhà máy Xi măng.

Với phương châm xây dựng sản phẩm Xi măng Sông thao “ Thân thiện với môi trường- Bền vững với thời gian” trong thời gian qua cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty CP Xi măng Sông Thao đã tìm hiểu, nghiên cứu và lập Dự án xây dựng Nhà máy phát điện nhiệt dư. Để chuẩn bị cho dự án này, Công ty đã cử cán bộ trực tiếp đi tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu các công trình nhà máy phát điện nhiệt dư của các công ty bạn như: Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 ( Kiên Giang) , Xi măng Công Thanh ( Thanh Hóa)…
Nhà máy phát điện nhiệt dư – xi măng Sông Thao sẽ được đầu tư mới hoàn toàn dựa trên cơ sở có sẵn của nhà máy Xi măng Sông Thao. Đó cũng là một thuận lợi rất lớn bên cạnh thuận lợi về hành lang pháp lý khi bắt tay vào xây dựng dự án này. Thiết bị của Nhà máy phát điện nhiệt dư- Xi măng Sông Thao bao gồm những thiết bị chính như: Tuabin, máy phát, hệ thống điều khiển tự động… Qua nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn, những thiết bị này có thể nhập từ những nước G7, các thiết bị khác sẽ được gia công chế tạo trong nước và có thể nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên tắc thiết kế của Nhà máy phát điện nhiệt dư đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa nguồn nhiệt thừa của lò nung xi măng không làm tăng chi phí nhiên liệu đầu vào trong sản xuất Xi măng; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm Clinker; điều phối và sử dụng nguồn điện phát ra hợp lý và hiệu quả, đạt lợi ích lớn nhất. Nhà máy phát điện nhiệt dư sẽ được thực hiện dưới hình thức chủ đầu tư tự quản lý và tổ chức thực hiện. Với cơ cấu, lực lượng CBCNV của Công ty thì hình thức trên là hợp lý và tiết kiệm chi phí. Đồng thời việc tiếp quản, vận hành thiết bị sẽ dễ ràng, rút ngắn được thời gian chuyển giao công nghệ và chủ động trong công tác vận hành sản xuất. Dự kiến, Dự án có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, với công suất thiết kế là 4MW, lượng điện sản xuất hàng năm là 25,2 triệu KWh, doanh thu trung bình hàng năm ước tính là 29,7 tỷ đồng. Dự án được đầu tư xây dựng bằng hai nguồn vốn chính là vốn đầu tư phát triển của Doanh nghiệp và vốn vay ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường. Thời gian tính toán hoàn vốn của dự án là 7 năm.

Với dây chuyền sản xuất như hiện nay, hàng năm Nhà máy Xi măng Sông Thao sẽ tiêu thụ khoảng 75- 85 triệu KWh tương đương 90 – 100 tỷ đồng. Với công suất của Lò nung là 2500 tấn Clinker/ ngày, nếu thu hồi lượng nhiệt dư có thể xây dựng một nhà máy phát điện nhiệt dư với công suất khoảng 4000 KW. Hàng năm sẽ sản xuất được khoảng 20 – 30 triệu KWh có thể phục vụ nhu cầu cho khoảng 20 – 30% lượng điện tiêu thụ của nhà máy. Như vậy, một năm Công ty có thể tiết kiệm được 25 – 33,3 tỷ đồng, mặt khác theo định mức của Nhà máy nhiệt điện thì cứ 0,3 kg than tương đương với 1KWh vì thế đã góp phần thiết kiệm được khoảng 8.0 nghìn tấn than/năm cho phát điện góp phần tiết kiệm tài nguyên Quốc gia.
Bên cạnh đó, với việc tận dụng khí thải phát điện sẽ làm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất dẫn tới việc giảm giá thành sản xuất xi măng và lợi ích to lớn là góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí CO2.
Hiện nay, Dự án đã được Hội đồng quản trị công ty phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong giai đoạn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tư vấn lập dự án. Theo kế hoạch xây dựng, Nhà máy phát điện nhiệt dư- Xi măng Sông Thao sẽ được thực hiện trong vòng 15 tháng. Dự kiến đưa vào khai thác và sử dụng trong quý II năm 2013.
Lê Minh Hải
Tổng giám đốc Công ty
Tổng giám đốc Công ty